Làm thế nào để học giỏi toán
Không chỉ gia đình, họ hàng mà cả xóm, xã đều tự hào, nể trọng họ - những tân thủ khoa trẻ tuổi của quê nghèo. Những thủ khoa này không chỉ minh chứng một thực tế học giỏi thi đậu mà còn có thể chiếm ngôi thủ khoa dù là con nhà nghèo.
Tự “cày” để đào sâu suy nghĩ
Bùi Anh Đức bên bàn học - Ảnh: Vũ Toàn
Góc học tập của Bùi Anh Đức - thủ khoa 30 điểm Trường ĐH Xây dựng Hà Nội - đơn giản chỉ có một cái bàn cũ, chiếc đèn nhỏ và giá sách tự đóng bằng gỗ mộc. Cửa sổ góc học tập mở hướng rộng nhìn ra khoảng trời trên giàn mướp đang nở hoa vàng phía sau ngôi nhà ở xóm Vĩnh Hòa, xã Thạch Linh, thị xã Hà Tĩnh.
Mỗi ngày, sáng đi học ở trường, chiều về Đức ngồi miệt mài trong góc học tập - nơi có nhiều nội dung, kiến thức từ các loại sách tham khảo, Báo Toán Học & TS do Đức mượn được từ bạn học cùng lớp. Tối đến Đức lại ngồi vào bàn lặng lẽ “cày” cho tới 12g khuya hoặc 1g sáng. Đức bảo: “Học mệt thì nghỉ chứ chưa khi nào cảm thấy chán học. Tự “cày” sẽ đào sâu thêm nhiều suy nghĩ cho mình”.
Đức là một trong những sĩ tử không đi ôn thi ĐH từ các lò luyện cấp tốc quảng cáo khắp nơi như đa số các bạn ở những miền quê thường chuộng, vì “đi luyện như vậy vừa tốn tiền của bố mẹ, vừa mệt thân xác mà kiến thức thu về không là mấy”. Nhưng những buổi học bồi dưỡng của thầy cô tại trường thì Đức rất chăm chỉ. Học một mình là sở trường của Đức.
“Chính việc học một mình mới có cơ hội đối chọi với những bài toán hóc búa nhưng bao giờ cũng rất thú vị”, Đức bộc bạch. Thói quen này có sẵn trong bản tính tự lập của cậu học trò nghèo đơn côi khi bố là bộ đội đi liên miên, phục viên về đi làm nghề thủy nông với mẹ.
Cô Phan Thị Hành - mẹ Đức - kể: “Tôi sinh muộn, lại chỉ được mỗi Đức nên cả hai vợ chồng dành hết tâm sức cho con theo học”. Cô Hành là nhân viên hành chính của Công ty thủy nông Kẻ Gỗ, dù đi làm vất vả đến mấy cũng gắng lo cho được ba bữa cơm rau “để con có sức mà học”. Có lẽ cũng nhờ sự chăm chút của người mẹ tần tảo nên bắt đầu từ năm lớp 6 điểm tổng kết của Đức bao giờ cũng đạt trên 8.
Lớp 10, Đức đoạt giải nhì toán, giải ba hóa cấp tỉnh. Lớp 11 đoạt giải khuyến khích toán lớp 12 và hai giải ba toán, hóa lớp 12. Sang lớp 12 đoạt giải ba môn toán cấp tỉnh... Hôm thi, môn nào Đức cũng làm xong trước 30 phút. Đức nói về kinh nghiệm làm bài thi của mình: “Xem thật kỹ đề. Gạch chân những ý chính trong đề. Đi thi tỉnh môn nào mình cũng làm nháp. Còn thi ĐH ngồi nghĩ một lúc rồi viết một mạch là xong”.
Học, đọc nhưng phải hiểu bản chất của vấn đề
Bi quyet hoc cua thu khoa con nha ngheo
Hoàng Tuấn Anh bên mẹ - Ảnh: Vũ Toàn
Mẹ của Hoàng Tuấn Anh - thủ khoa 30 điểm Trường ĐH Xây dựng Hà Nội - mắc bệnh khi vừa sinh Tuấn Anh được bốn tháng. Bệnh nhưng bà vẫn gắng sức đi làm mãi đến khi lâm bệnh nặng phải vào viện điều trị mới xin nghỉ ở Công ty Tư vấn thiết kế thủy lợi Nghệ An.
Những năm tháng ấu thơ Tuấn Anh lúc ở với dì, lúc ở với bà nội mới có điều kiện ăn học. Biết phận con nhà nghèo, Tuấn Anh tập trung vào việc học và bắt đầu học giỏi từ lớp 5 với danh hiệu học sinh giỏi hai môn văn, toán cấp tỉnh. Lên lớp 8 đoạt thủ khoa môn toán của huyện Đô Lương (Nghệ An). Lớp 12, Tuấn Anh có tên trong danh sách đội tuyển toán quốc gia.
Trong bạn bè, Tuấn Anh nổi tiếng một “cây” chăm học và chăm đọc. Nhưng “đọc gì, học gì cũng phải nắm cho được bản chất của vấn đề thì mới nhớ lâu”, Tuấn Anh tâm sự. Còn kinh nghiệm thi ĐH thì “tự giải thật nhiều đề của các năm trước nhưng phải luôn tỉnh táo trước đề mới, không được chủ quan”.
VŨ TOÀN
Việt Báo (Theo_TuoiTre)
No comments:
Post a Comment