Hiện nay, Mỹ đang sở hữu 228 chiếc máy bay ném bom chiến lược với thời hạn sử dụng tương đối dài (B–52 là 2044, B–1 là 2038 và B–2 là 2058). 2 loại máy bay thế hệ trước là B–52 và B–1 có ưu điểm là tầm hoạt động xa, mang theo lượng bom đạn lớn nhưng rất dễ bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không đất đối không của đối phương, mà sử dụng máy bay ném bom tàng hình B–2 chỉ phù hợp khi tác chiến ban đêm.
Kế hoạch ban đầu, Mỹ muốn giảm số lượng B–52 xuống còn 56 chiếc (trong đó 44 chiếc được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu bình thường), số lượng B–1 cũng sẽ giảm xuống còn 32 chiếc, trang bị thêm 24 vũ khí tiến công chính xác, có khả năng cơ động tiến công các mục tiêu mặt đất xa hơn 2000km và trở về căn cứ trong vòng 2,5h mà chỉ cần tiếp dầu 1 lần.
Lực lượng máy bay "khủng" của không quân Mỹ
Công tác cải tạo, nâng cấp các loại hiện đang sử dụng đã được triển khai toàn diện, Mỹ đã trang bị hệ thống thông tin và thiết bị điện tử hoàn thiện để 162 máy bay loại B–52 và B–2 có khả năng sử dụng được tất cả các loại vũ khí tiến công chính xác không đối đất hiện có.
Từ năm 2008 – 2010, Mỹ đã triển khai nghiên cứu, phát triển loại máy bay ném bom tầm trung B–3 có bán kính tác chiến là 3200km, trọng lượng không tải 12,7 tấn. Kế hoạch ban đầu đến năm 2018 sẽ hoàn thành nhưng hiện dự án đang dậm chân tại chỗ nên đầu tháng 12 vừa qua, không quân Mỹ đã thay đổi kế hoạch, nâng cấp toàn bộ 66 máy bay ném bom B-1 để kéo dài thời hạn sử dụng đến năm 2025.
Cho đến nay, lực lượng không tầm xa chiến lược của Nga có 138 máy bay, bao gồm: 14 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu–160 “BlackJack”, 56 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu–95MS, 66 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu–22M3 “Backfire C”, 2 chiếc máy bay trinh sát chiến lược Tu–22MP. Xét về khả năng tác chiến, hiệu quả tác chiến của lực lượng không quân tầm xa chiến lược của Nga đạt khoảng 30% (với các đầu đạn thường) và 50% (với các đầu đạn hạt nhân). Trong “Kế hoạch phát triển vũ khí, trang bị trước năm 2015”, Nga sẽ tiến hành nâng cấp toàn diện các loại hiện đang sử dụng, dự kiến trước năm 2016 sẽ hoàn thành việc cải tiến kỹ thuật cho khoảng 18% máy bay ném bom chiến lược và đến trước năm 2021, tỷ lệ này sẽ được nâng lên thành 86%.
Dàn máy bay hùng hậu của không quân Nga
Nhận thức được sự yếu kém của lực lượng không quân Nga, sau khi trở lại điện Kremlin, ông Putin đã tuyên bố từ nay đến năm 2020 sẽ dành ngân sách 4000 tỷ Rup, tương đương với 123 tỷ USD (bằng 1/5 tổng ngân sách quốc phòng) để nâng sức mạnh không quân Nga lên một tầm cao mới. Sáu tháng đầu năm nay, sau khi khôi phục các chuyến bay tuần tra đường dài của máy bay ném bom TU-95, Nga đã liên tiếp công khai một loạt kế hoạch nhằm nâng cao sức mạnh không quân chiến lược.
Tháng 2 năm nay, Moscow tuyên bố từ nay đến năm 2020 sẽ nâng cấp toàn diện 10 chiếc máy bay ném bom chiến lược TU-160, trang bị hệ thống vũ khí, trang thiết bị hàng không và vô tuyến điện tử mới để cho ra đời phiên bản TU-160M. Đặc biệt họ sẽ trang bị thêm tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa (1 trong 2 loại Kh-101 hoặc 102) để nâng sức mạnh của nó lên gấp đôi TU-160. Tiếp theo, trong tháng 3, Nga cũng bắt đầu tiến hành nâng cấp 30 chiếc TU-22M3 thành loại TU-22M3M, hạng mục nâng cấp này sẽ hoàn thành cùng thời điểm với hạng mục cải tiến TU-160.
Nga cũng có kế hoạch sang năm 2013 sẽ tân trang lại toàn bộ 56 chiếc TU-95MS lên chuẩn MSM, các hạng mục chủ yếu là trang bị hệ thống thông tin, điều khiển và hệ thống dẫn đường vệ tinh GLONASS, thay thế tên lửa cũ bằng tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 (tên Nga là X-101) mang đầu đạn hạt nhân. Dự kiến kế hoạch nay sẽ hoàn thành trước năm 2025, kéo dài thời hạn sử dụng TU-95 đến ít nhất là năm 2040.
Máy bay ném bom tầm xa TU-160 của Nga được mệnh danh là "Thiên nga trắng"
Không dừng lại ở đó, ngày 14/06, trong buổi làm việc với các tướng lĩnh không quân, ông Putin khẳng định Nga sẽ phát triển loại máy bay ném bom thế hệ mới PAKDA, dự án này sẽ được triển khai tại nhà máy chế tạo máy bay Kazan – cái nôi của TU-95 và TU-160.
Từ trước đến nay, công nghệ tàng hình của máy bay Mỹ là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình dạng khí động học tối ưu nhằm tiết giảm diện tích phản xạ radar và công nghệ sơn phủ hấp thụ hoặc tán xạ sóng radar, hiện xu hướng này đang là phổ biến trên thế giới. Khả năng tàng hình của máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Nga sẽ theo một xu hướng riêng, dựa trên cơ sở công nghệ plazma, được coi là “trạng thái thứ 4 của vật chất”. Đây là một môi trường chất khí hỗn hợp trung hoà các điện tích dương và điện tích âm. Loại bức xạ này bao phủ xung quanh một vật thể nào đó cần che giấu thì vật thể đó hoàn toàn tàng hình trước các loại radar hiện đại nhất, khi loại máy bay ném bom tàng hình của Nga ra đời sẽ làm đảo lộn các nguyên lý truyền thống về radar.
Còn lực lượng không quân và không quân hải quân Trung Quốc chỉ có duy nhất loại máy bay ném bom tầm trung, tốc độ dưới âm H-6, sản xuất năm 1968. H-6 là phiên bản nội địa của loại máy bay ném bom Tu-16 do Nga sản xuất đầu thập niên 50. Loại máy bay này cơ bản là đã cũ, tầm bay ngắn, tính năng hạn chế, không đáp ứng được với yêu cầu tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai.
Chuẩn bị lắp đặt bom JDAM trên máy bay ném bom B-1
Hiện Trung Quốc có tổng số 120 máy bay thuộc thế hệ H-6 (bao gồm cả máy bay tiếp dầu và 1 vài phiên bản của nó là H-6D, H-6H, H-6K, K-6M). Hiện tại, H-6 cũng đã phục vụ được hơn 40 năm, sắp hết thời hạn sử dụng, số ít các phiên bản cải tiến của nó cũng chỉ còn thời hạn trên 10 năm nữa.
Theo thông tin không chính thức, chỉ có 40 chiếc H-6 được nâng cấp lên 2 phiên bản hiện đại là H-6M và H-6K kéo dài thời hạn đến năm 2030 (60 năm phục vụ), còn lại 80 chiếc thuộc thế hệ đầu tiên sẽ lần lượt ngừng sử dụng trong khi đó dự án sản xuất H-10 (phiên bản nội địa của TU-22M3) cũng chưa biết đến khi nào triển khai xong, dự án chế tạo máy bay ném bom chến lược tương lai vẫn đang còn nằm trên giấy. Lực lượng không quân ném bom chiến lược của Trung Quốc đang đứng trước tương lai hết sức ảm đạm.
Tuy Nga và Trung Quốc có số lượng máy bay tương đương nhau (138 và 120), bằng hơn nửa Mỹ nhưng khi xét đến vũ khí trang bị, Nga vẫn được xếp ngang hàng với Mỹ, còn Trung Quốc chỉ được coi là “kẻ học việc”.
Máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ
Từ trước đến nay, các máy bay ném bom tầm xa được xếp vào lực lượng không quân chiến lược, là một nhân tố quan trọng nhất trong bộ 3 tấn công hạt nhân vì tín năng cơ động, tầm hoạt động rất rộng và khả năng tấn công hạt nhân của nó. Về phương diện này, Mỹ và Nga mỗi nước có những ưu điểm riêng, còn Trung Quốc chỉ xếp vào “chiếu dưới”.
Về số lượng máy bay, tính năng tàng hình hiện Mỹ đang vượt trội so với Nga và cũng hơn về số lượng vật mang vũ khí hạt nhân như: bom, tên lửa (gần 1400/gần 800). Thế nhưng Nga có một ưu điểm tuyệt đối so với Mỹ là tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không, là loại vũ khí quan trọng nhất trên máy bay ném bom chiến lược, thể hiện uy lực tấn công hạt nhân tầm xa. Hiện Nga đang trang bị trên TU-160 và TU-95MS 2 loại tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn khủng khiếp là Kh-101 và biến thể của nó là Kh-102 (X-101 và X-102). Loại tên lửa này có tầm bắn tới 10.000 km, sai số mục tiêu chỉ có 10m, có khả năng bắn trúng các loại mục tiêu kích thước chỉ 2-3m, bao gồm cả muc tiêu di động. Trong khi đó, loại tên lửa hành trình tiên tiến nhất của Mỹ là AGM-129 cũng chỉ có tầm bắn trên 3000km. Như vậy, Nga đã bù lại được điểm yếu về bán kính tác chiến, mà còn tránh cho máy bay không bị nguy hiểm khi tiến sát đến khu vực phòng không của kẻ địch. Hiện nay trên thế giới không có loại tên lửa không đối đất nào có tầm bắn và khả năng tấn công mục tiêu di động sánh bằng các loại tên lửa này. Đây cũng điểm mà Mỹ rất kiêng dè các loại máy bay ném bom Nga, khi Nga khôi phục hoạt động bay tuần tra của TU-160, Mỹ và Nato đã rất lo lắng.
Tên lửa Kh-101 và Kh-102 được lắp đặt trên máy bay ném bom TU-95MS
Còn Trung Quốc thì không đáng để so sánh, hiện họ đang sở hữu 2 loại tên lửa hành trình chống hạm YJ-62, YJ-82 và loại “tự phong” là tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không KD-88. Thế nhưng, tầm bắn của KD-88 chỉ vẻn vẹn 120km, tiệm cận với AGM-84 SLAM của Mỹ và Kh-59M của Nga (đều 130km), mà đây là các loại tên lửa Nga và Mỹ chỉ trang bị cho các máy bay ném bom chiến thuật (tiêm kích bom, cường kích).
YJ-62, YJ-82 cũng có thể dùng làm tên lửa không đối đất nhưng trong 2 loại này, YJ-82 (bản xuất khẩu là C-802) có tầm bắn 120km, YJ-62 (bản xuất khẩu là C-602) có tầm bắn xa nhất trong các loại tên lửa hành trình trung Quốc cũng chỉ đạt hơn 400km, còn kém xa loại tên lửa Kh-555 trên máy bay TU-22M3 với tầm bắn 2000km, hơn nữa, các tên lửa này không có đầu đạn hạt nhân nên uy lực sát thương chẳng đáng là bao. Ngay cả khi thế hệ H-10 (phiên bản nội địa của TU-22M3) trang bị phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo DF-21 (tầm bắn trên 1500km) được đưa vào sử dụng cũng vẫn không sánh được với TU-22M3M Nga vừa nâng cấp với tên lửa Kh-555 cải tiến.
Lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 (C-602) trên máy bay ném bom tầm trung H-6
Cùng với sự yếu kém của tên lửa tấn công, các máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc có bán kính tác chiến chưa tới 3000km nên dù có muốn họ cũng chẳng chạm tới “gấu áo” của Mỹ, may ra thì vươn tới được Guam. Các chuyên gia quân sự dự tính cho đến năm 2030, Trung Quốc không có cách nào đuổi kịp Nga, Mỹ. Cho đến khi đó, lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Trung Quốc vẫn còn một lỗ hổng lớn, ngày mà Bắc Kinh có đủ uy lực răn đe toàn cầu ít nhất của phải tới năm 2050.
Nguyễn Ngọc
Tổng hợp
Tổng hợp
No comments:
Post a Comment