Jan 28, 2013

Quan hệ Nga- Mỹ trong nhiệm kỳ hai của ông Obama

Đa số chuyên gia Nga cho rằng việc ông Obama tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ thêm bốn năm nữa là tin tốt lành với các nước đối tác của Mỹ, trong đó có Nga.

Báo Độc lập Nga bình luận rằng việc Tổng thống Barack Obama chính thức nhậm chức nhiệm kỳ hai đồng nghĩa với việc tính kế thừa trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ sẽ được duy trì. Bên cạnh đó, “đội hình mới” của Nhà Trắng, với ông John Kerry giữ chức Ngoại trưởng và ông Chuck Hagel giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, sẽ có sự phối hợp ăn ý hơn. Xét về mọi mặt, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai, ông Obama dự định trong 4 năm cầm quyền tới sẽ thực hiện các chương trình tự do tả khuynh và củng cố tên tuổi trong lịch sử nước Mỹ bằng cách tập trung các nỗ lực vào chính nước Mỹ chứ không phải hướng sang bên kìa bờ Đại Tây Dương.


Ngay sau khi ông Obama tái đắc cử Tổng thống Putin đã có mời lãnh đạo Mỹ sang thăm Moscow (ảnh minh họa)

Trong diễn văn nhậm chức, ông Obama nhấn mạnh sẽ duy trì vai trò điều phối trung tâm của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, tiếp tục thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ này là cuộc cải cách chính sách di trú, hạn chế quyền tự do sở hữu vũ khí, đảm bảo quyền bình đẳng giới cho những người bị lệch lạc giới tính và cắt giảm chi tiêu quân sự.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ quay lại chính sách cô lập. Ông Obama và giới chóp bu ở Washington hiểu rõ một điều rằng chính sách dùng sức mạnh quân sự như một phương tiện để củng cố vị thế một cuwcjc ủa chính quyền cựu Tổng thống G. Bush đã gây căng thẳng trong phe phái có ảnh hưởng ở nước này. Washington đã rút quân khỏi Iraq và trong thời gian tới sẽ rút nốt khỏi Afghanistan. Bộ máy chính quyền Obama có khuynh hướng xây dựng một trật tự thế giới đa cực sau khi đặt trọng tâm là nền ngoại giao đa phương.

Nga không được đặt trong danh sách một trong những phương hướng đối ngoại ưu tiên của Mỹ. Sau một thời gian ngắn “tái khởi động”, quan hệ Nga – Mỹ không những không đạt được bước tiến triển nào mà còn gia tăng sự bất đồng và cáo buộc lẫn nhau. Hiện ở cả hai nước đều ghi nhận những hoạt động tích cực của các nhóm không ủng hộ cải thiệt quan hệ song phương.

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012 đang tạo ra những điều kiện để ổn định mối quan hệ Nga – Mỹ, củng cố các kết quả tái khởi động tích cực đã đạt được và đưa quan hệ hai nước ra khỏi tình trạng đối đầu. Bất luận quan hệ hai nước và tâm lý của giới lãnh đạo cấp cao ra sao, Mỹ không thể không phối hợp với Nga trong các vấn đề chống phổ biến vũ khí và cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược.

Trong thời gian tới, đối thoại cấp cao giữa hai nước sẽ được nối lại sau một thời gian dài nguội lạnh kéo dài. Trong đó, việc xử lý vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ có ý nghĩa quyết định đến chất lượng mối quan hệ và là nhân tố tích cực giúp củng cố lòng tin. Ông Obama đã đưa ra lời hứa sẽ “mềm mỏng” trong vấn đề này sau khi tái đắc cử. Cả ông Obama, Kerry và Hagel đều không phải người quá trung thành theo đuổi mục tiêu xây dựng lá chắn tên lửa chiến lược toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên liệu bộ ba này sẵn sàng đi đến thỏa hiệp được Nga chấp nhận hay không thì còn là cả một vấn đề. Bên cạnh đó, chất lượng mối quan hệ còn phụ thuộc vào việc liệu Moscow có sẵn sàng từ bỏ các yêu cầu đảm bảo pháp lý không thực tiễn nếu có một Hiệp định mới về lá chắn tên lửa? Nếu cả Nga và Mỹ đều thể hiện quyết tâm chính trị thì có thể đạt được các thỏa thuận chiến lược quân sự mới giữa hai nước.

Đằng sau vấn đề phòng thủ quốc gia và bất đồng trong việc xây dựng trật tự thế giới, giữa hai nước cũng còn đề tài quan trọng khác là phát triển hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư. Nếu thiếu lĩnh vực này, quan hệ Nga – Mỹ sẽ mang tính mất cân xứng trầm trọng. Bất chấp việc Mỹ tiếp tục thông qua “Luật Magnitsky” chống Nga, việc Nga đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Luật thương mại “Tu chánh án Jackson Vanik” được bãi bỏ sẽ tạo ra các điều kiện mới để tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Chính quyền Tổng thống Obama có thể tạo ra bước đột phá nếu trong thời gian tới đưa ra dự án Nga mua các sản phẩm ngành công nghiệp chế tạo máy của Mỹ trị giá gần 50 tỷ USD.

Sergei Rogov, Giám đốc Học viện nghiên cứu về Mỹ và Canada của Nga, tiên liệu rằng trong nhiệm kỳ 2 của ông Obama, Hoa Kỳ sẽ không tấn công quân sự trên bộ chống Iran, dù một cuộc oanh kích vào cơ sở hạt nhân của nước này có thể xảy ra.

Trong khi đó, theo cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov, mối quan hệ Nga - Mỹ cần được thúc đẩy hơn nữa cho xứng tầm quan hệ giữa hai nước. Ông Igor Ivanov chia sẻ: "Tôi nghĩ là cần nhìn nhận mối quan hệ Nga-Mỹ trên một tinh thần mới. Có thể nó sẽ mới lạ, nhưng mối quan hệ này với tất cả các hoạt động hữu hình của nó hiện tại chưa đáp ứng được những mong đợi của cả hai phía”.

Giới phân tích cho rằng những va chạm kiểu như đạo luật Magnitsky và Yakovlev trong những ngày cuối năm 2012 chỉ là cuộc thử nghiệm lớn đầu tiên đối với quyết tâm của Tổng thống Obama và đồng nhiệm Putin trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Về cơ bản nó không dẫn tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Nga - Mỹ mà hầu như sẽ chỉ gây ra những ảnh hưởng mang tính biểu tượng mà thôi./.

V.V- Tổ Quốc

No comments:

Post a Comment