Tuồng và chèo khác nhau như thế nào?

0 nhận xét


Tuồng và chèo là hai  loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam. Tuồng bắt nguồn từ Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của Kinh Kịch. Trái ngược lại, chèo hoàn toàn là của Việt Nam. Có thể nói, nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh Kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch nô thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo.


Người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572-1634), người có công phát triển Tuồng ở Việt Nam là Đào Tấn. Ở Miền Trung Việt Nam trở ra gọi Tuồng do chữ “Liên Trường” là kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Từ “liên trường” do ngôn ngữ địa phương mà thành “luông tuồng”, “luôn tuồng”…


Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Phương thức phản ánh đã sinh ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống, Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần. Tả thần là biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Ðể lột tả được cái thần của nhân vật Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu. Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho một con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường.


Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ thứ X. Chèo từ kịch nói trở thành kịch hát sau khi ảnh hưởng của binh sĩ Mông Cổ bị bắt giữ tại Việt Nam vào thế kỷ XIV. Tới thế kỷ XV, do ảnh hưởng của đạo Khổng mà vua Lê Thánh Tông đã cấm không cho biểu diễn chèo trong cung đình. Do vậy, chèo quay trở lại trong dân gian và tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở các thế kỷ sau.


Có thể nói, chèo và múa rối nước là hai sản phẩm độc đáo của văn minh châu thổ sông Hồng nhưng chèo có phần tinh tế hơn. Nếu tuồng chỉ chú trọng vào việc ca tụng hành động anh hùng của giới quý tộc thì chèo mô tả cuộc sống bình dị của người nông dân, nói lên khát vọng của họ về một cuộc sống thanh bình giữa xã hội đầy rẫy bất công.


Cũng giống tuồng, nhân vật trong chèo có sự rập khuôn, ước lệ, chuẩn hóa. Trong kịch nói, tính cách và tâm lý nhân vật có thể thay đổi bất cứ lúc nào nhưng với chèo thì không thay đổi. Họ là lão say, thầy đồ điếc, phú ông, hề chèo, đào lẳng …. không có tên mà có thể đổi đi đổi lại, lắp vào bất cứ vở diễn nào.


Khi hát chèo, các nghệ sỹ phải hát rõ chữ, rõ âm để biểu lộ tính cách nhân vật (chèo khác với tuồng ở điểm này). Nghệ sỹ chèo được phép bẻ làn, nắn điệu để thể hiện xúc cảm của nhân vật theo ý mình. Số làn điệu chèo hiện nay tại Việt Nam ước tính lên tới trên 200 làn điệu.


(pix courtesy of Wikipedia – Under Creative Commons License)

No comments: