Ông Công và ông Táo có khác nhau không?

0 nhận xét

The kitchen god...


Theo quan niệm dân gian Việt Nam, ngày 23 Tết thì Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về chuyện tốt chuyện xấu của mỗi gia đình. Vì vậy ngày 23 Tết người Việt ta thường cúng để mong ông Táo lên trời (mà không bị tắc đường :mrgreen: ) thì sẽ báo cáo những điều tốt về gia đình, những điều chưa tốt thì thôi tạm không báo cáo để sang năm gia đình tiếp tục sửa chữa, như thế thì Ngọc Hoàng mới thương mà phù hộ. Tuy vậy, mọi người vẫn cứ hay gọi ngày 23 Tết là ngày cúng ông Công, ông Táo. Vậy thực ra ông Công (Thổ Công) và ông Táo (Táo quân) là hai ông hay một ông?


Theo tác giả Lê Anh MinhWikipedia, Táo quân có nguồn gốc từ Đạo Lão (Taoism). Thuyết Táo quân bên Trung Quốc được cho rằng bắt nguồn từ đời Tần Thủy Hoàng với sự tích của Lý Thiếu Quân luyện đan để biến thành tiên. Táo quân là một vị thần được Lý Thiếu Quân tưởng tượng ra để thờ phụng. Ngoài ra tại mỗi vùng miền của Trung Quốc đều có những sự tích khác nhau về Táo quân, nhưng tựu trung lại là đều coi Táo quân là vị thần cai quản bếp núc trong mỗi nhà.


Sự tích Táo quân ở Việt Nam ít nhuốm màu tôn giáo hơn. Bản thân ở Việt Nam cũng có nhiều cách lý giải khác nhau về Táo quân nhưng đều quy về một cách là sự tích hai ông một bà. Theo Wikipedia thì một trong những phiên bản tóm tắt của sự tích này như sau (bạn có thể đọc phiên bản khác của sự tích này tại đây) :


Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.


Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.


Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.


Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.


Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc:


* Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi không gian bao quanh gia đình, có nơi quan niệm là coi viêc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân


* Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, đất đai. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần


* Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc trồng trọt, chăn nuôi, chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần


Như vậy, nếu trong sự tích này thì ông Công ông Táo là một (nếu xét với trường hợp của Phạm Lang). Cách cúng ông Công ông Táo ở từng vùng miền tại Việt Nam cũng khác nhau. Ở miền Bắc thì làm mâm cỗ to để cúng và sắm sửa cho ông bà Táo mỗi người một bộ quần áo, một mũ (mũ ông Táo có cánh chuồn, mũ bà Táo không có). Miền Trung cúng thêm một con ngựa (chắc để thay cá chép) còn miền Nam thì làm đơn giản hơn.


Cho dù truyền thuyết có như thế nào thì việc cúng ông Công ông Táo cũng là một dấu hiệu báo Tết đã đến rất gần. Trong ngày này sau khi cúng, ban thờ tổ tiên (đặt khác chỗ với ban thờ Táo quân/Thổ Công/Thổ Địa/Thổ Kỳ) sẽ được dọn dẹp, bát hương cũng được dọn bớt chỉ cắm lại ba chân hương. Đó cũng là một cách dọn “nhà” để đón các cụ về ăn Tết cùng con cháu.


(pix courtesy of ePi.Longo – Under Creative Commons License)

No comments: