Làng cổ Đường Lâm là một trong những ngôi làng đặc sắc và có bề dày văn hóa nhất nhì ở miền Bắc. Đây là quê của hai ông vua là vua Ngô Quyền (người đã đánh đuổi quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng vào năm 938, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc) và vua Phùng Hưng (người đã nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Đường).
Nói tới Đường Lâm là không chỉ nói tới hai ông vua có nhiều công trạng với đất nước. Từ xưa người Đường Lâm đã có câu ca: “Nổi danh chùa Mía làng ta/Có pho Tống tử Phật bà Quan âm”. Nằm trong nơi thâm nghiêm, thanh tịnh, một làng quê vẫn còn nguyên vẹn nét xưa, chùa Mía còn có tên là Sùng Nghiêm tự, ở làng Đông Sàng (làng Mía), xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ngôi chùa được xây dựng vào năm Đức Long thứ tư (1632), do một người làng là bà Nguyễn Thị Giao (còn gọi là bà chúa Mía), vợ Chúa Trịnh Tráng (1623-1657) đứng ra hưng cống. Nằm trên một ngọn đồi đá ong, có quy mô lớn, chùa chia ra ba khu riêng biệt. Ngoài cùng là gác chuông, tiếp đến là sân, ở bên góc phải có một cây đa cổ thụ vài trăm năm tuổi. Qua một cổng gạch, du khách vào khu thứ hai là nhà tổ và trai phòng. Tiếp đến là chùa chính, gồm nhà bái đường có một bia đá dựng vào năm xây chùa, đặt trên một con rùa khá đồ sộ. Văn bia này ghi lại sự tích bà chúa Mía tổ chức xây chùa. Đây là một trong số rất ít tấm bia to và đẹp còn lại tới nay.
Đường Lâm còn là nơi sinh ra thám hoa Giang Văn Minh, sinh ra bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng) cùng nhiều danh nhân khác như Phó Thủ Tướng Phan Kế Toại và họa sỹ Phan Kế An.
(pix of Tùng Lycan – Under Creative Commons Licenses)
No comments: