Tại sao thằng chết lại cãi được thằng khiêng?

0 nhận xét

Tình Người  - Caring Person


“Thẳng chết cãi thằng khiêng” là một câu thành ngữ khá kỳ lạ. Đã chết rồi sao còn cãi được? Vô lý phải không bạn? Để tìm hiểu lý do tại sao có câu nói này, chúng ta phải quay trở lại Kinh thành Thăng Long vào những thế kỷ trước. Hàng năm cứ đến những ngày tháng Chạp, nhất là đêm ba mươi thì bọn lưu manh lại sử dụng đủ mọi mánh khóe để kiếm tiền. Chúng cho một người nằm lên cáng, giả vờ là người chết đường, chết chợ rồi cùng nhau khiêng đến những nơi buôn bán sầm uất, đặt cáng trước cửa hàng xin tiền. Một phần vì Tết đông khách mua hàng, một phần thì vì sợ xui nên nhà nào nhà nấy đều cho tiền bọn lưu manh để chúng mau khuất mắt. Khi có tiền rồi, bọn lưu manh hay cãi lộn với nhau về việc chia tiền sao cho công bằng. Thằng khiêng cáng thì nói rằng công của nó tất, thằng giả vờ chết chỉ nằm im có làm gì đâu. Thằng “chết” thì cãi rằng nếu không có nó nằm im thì có mà cả bọn chết đói. Thêm nữa, lúc nó nhắm tịt mắt giả vờ, ai biết được tiền xin được có bị biển thủ đi đâu không. Cứ thế, thằng chết cãi thằng khiêng ỏm tỏi cả góc phố…


Câu thành ngữ này khi lan truyền trong dân gian mất đi nghĩa ban đầu của nó mà biến đổi thành việc chỉ những người không biết lại không chịu “dựa cột mà nghe”, chỉ chăm chăm cãi bằng được. Gần nghĩa với thành ngữ này trong tiếng Việt còn có các thành ngữ như Trứng khôn hơn vịt hay Trứng khôn hơn rận.


(pix courtesy of Lucas Jan – Under Creative Commons License)

No comments: