Tại sao nhà tuyết Igloo của người Eskimo không bị tan chảy khi đốt lửa sưởi ấm ở bên trong?

0 nhận xét

Igloo theo tiếng của người Inuit là cái nhà. Inuit là nhóm người dân tộc thiểu số sống ở vùng cực thuộc Canada, Đan Mạch (vùng Greenland), Nga (vùng Siberia) và Mỹ (vùng Alaska). Những người Inuit ở Alaska thường hay được gọi chung với các dân tộc khác sống ở đó là Eskimo.



Khi đi săn hoặc di chuyển dài ngày, những người Inuit thường xây cho mình một chiếc nhà tạm bằng băng tuyết giống như ở trên hình gọi là Igloo. Nhà Igloo thường được xây bằng các khối băng có kích thước khoảng 60x120x10 cm (dài x cao x độ dày) được cắt bằng dao hoặc bằng băng cứng. Các viên gạch băng sẽ được xếp chồng lên nhau để tạo ra một ngôi nhà tạm có hình vòm với lỗ thông hơi ở giữa và một cửa ra vào.


Bên trong ngôi nhà làm bằng băng này, người dân thường đốt đèn bằng dầu/mỡ động vật để sưởi ấm. Cùng với hơi nóng tỏa ra từ người, nhiệt độ bên trong của Igloo thường phải đạt 10-15 độ C và cao hơn nhiệt độ tan chảy của băng rất nhiều. Trong khi đó, độ dày của tường lại khá mỏng (chỉ từ 5-10 cm), vậy tại sao ngôi nhà làm bằng băng lại không bị tan chảy ra?


Trên thực tế, băng bên trong ngôi nhà có tan chảy nhưng không ở diện rộng và không thể phá hủy ngôi nhà. Khi băng chảy ra dù chỉ một chút xíu thì ngay lập tức nó lại đông lại bởi nhiệt độ ở bên ngoài + nhiệt độ của khối băng bên cạnh nó là rất thấp (từ -40 độ C tới -20 độ C). Thêm nữa, không khí nóng thì bốc lên cao và sẽ thoát ra ngoài bởi lỗ thông hơi ở phía trên cùng của Igloo cũng làm tản mát bớt nhiệt độ từ ngọn lửa. Người Inuit khi đốt đèn bằng dầu/mỡ đông vật cũng thường để đèn ở chính giữa nhà để tránh tiếp xúc quá gần với tường bởi nếu tiếp xúc quá gần thì băng sẽ bị chảy ra thành nước và không kịp đóng băng trở lại.


Sau khi tiếp tục di chuyển, các ngôi nhà làm bằng băng bị bỏ hoang sẽ tồn tại cho tới khi chuyển mùa mới bị tan chảy ra. Cũng có trường hợp nhà Igloo được xây tại làng của người Inuit bằng các khối băng dày hơn, to hơn và có thể tồn tại được rất lâu.


(pix courtesy of Wikipedia – Under Creative Commons License)

No comments: