“Cô bé quàng khăn đỏ” là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng nhất được biết tới qua tuyển tập truyện cổ tích do anh em nhà Grimm sưu tập. Tuy vậy, trước rất lâu khi câu chuyện này được đưa vào bộ sưu tập truyện cổ Grimm thì nó đã được phổ biến tại Ý vào thế kỷ 14 với cái tên là “La finta nonna” (có nghĩa là “Người bà giả mạo”). Sau đó, có khá nhiều phiên bản khác nhau của truyện này được kể, đa phần đều kể về một cô bé đi vào rừng thăm bà nhưng có một số điểm khác biệt cơ bản trong các câu truyện này.
Trước hết, không phải mọi cô bé trong các câu truyện này là quàng khăn đỏ. Thứ hai, không phải mọi cô bé đều được bác thợ săn cứu. Trong phiên bản đầu tiên của câu truyện, cô bé đã bị sói ăn thịt và không có ai cứu. Trong một vài phiên bản khác, con sói không nằm trên giường mà lại đóng giả làm người bà để ngồi ăn với cô bé.
Truyện của anh em nhà Grimm về cô bé quàng khăn đỏ được dựa trên truyện của Charles Perrault (in trong tập Le Petit Chaperon Rouge). Tuy vậy, chính anh em nhà Grimm đã thêm vào đó cái kết có hậu khi người thợ săn xuất hiện, mổ bụng con sói và cứu cô gái + người bà ra khỏi bụng con sói. Theo Wikipedia thì giống như những câu truyện cổ tích khác, nhiều lời nhắn gửi về đạo đức có thể tìm thấy trong Cô bé quàng khăn đỏ. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định khác xoay quanh câu chuyện. Erich Fromm đã phân tích bản truyện của Anh em nhà Grimm. Ông nhìn nhận hình ảnh khăn đỏ là biểu tượng cho kinh nguyệt của nữ giới. Cô bé quàng khăn đỏ được cứu bởi một bác thợ săn, bản thân cô không hề làm được gì trong câu chuyện mà chỉ chờ sự giúp đỡ của người khác. Vì lí do này, nhiều người, đặc biệt là phụ nữ rất phản đối câu chuyện vì cho rằng nó hạ thấp nữ giới.
(pix courtesy of Wikipedia – Under Creative Commons License)
No comments: