Chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc tuần trước đã phải lắp đặt các thiết bị giám sát tự tử ở nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn, sau khi 196 người đã nhảy xuống từ những cây cầu này năm ngoái.
Cách giải thoát u ám
Để trở thành điều thần kỳ châu Á, xã hội Hàn Quốc đã phải trải qua một cuộc chạy đua hết sức khắc nghiệt. Năng suất lao động tăng, kinh tế phát triển nhảy vọt, một xã hội trước đó khép kín, nông nghiệp và Khổng giáo trong vài thập niên chuyển mình thành quốc gia hiện đại bậc nhất châu Á, do đó những hiệu ứng xã hội là không thể tránh khỏi.
Hệ thống ngăn chặn tự tử trên sông Hàn đầu tiên sẽ được lắp thí điểm tại hai vị trí thuộc cầu Mapo, nơi gần 90% trong số 196 người tự tử lựa chọn trong năm rồi, tăng mạnh so với 57 vụ năm 2003. Nỗ lực tuyệt vọng trước đó của chính quyền với các tấm biển lớn mang những dòng chữ “Phần đẹp nhất đời bạn chưa tới” và “Có gì đâu mà lo lắng” đã thất bại.
Chính giữa cầu, bỏ qua các đề nghị kiến trúc, chính quyền còn dựng lên bức tượng một cụ già đang an ủi một chàng thanh niên, nhưng tất cả đều vô ích. Tự tử, do sức ép quá lớn của đòi hỏi thành công trong học hành và sự nghiệp, trở thành một nỗi nhức nhối với Hàn Quốc dù mức sống ngày càng tăng cao và người dân ngày càng giàu có.
Thống kê của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Hàn Quốc là nước có tỉ lệ tự tử cao nhất trong nhóm, trung bình 33,5 người trên 100.000 người Hàn Quốc đã tìm cách kết liễu đời mình trong năm 2010, vượt xa các nước xếp thứ hai là Hungary (23,3) và Nhật Bản (21,2). Con số đó tương đương gần 50 người Hàn Quốc tự tử mỗi ngày và tăng quá nhanh so với năm 2000, khi tỉ lệ tự tử trung bình mới là 13,6 người trên 100.000 dân.
Bức tượng với hi vọng ngăn người tự tử trên cầu Mapo bắc qua sông Hàn, Seoul - Ảnh: Reuters
Mùa hè năm 2011, trường đại học uy tín nhất ở Hàn Quốc, Học viện Khoa học công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (Kaist), đã có một học kỳ bi kịch với hàng loạt vụ tự tử. Chỉ trong nửa năm học, bốn sinh viên và một giáo sư tên tuổi đã tìm tới cái chết. Áp lực học hành là chết người theo nghĩa đen ở Kaist và trường phải có một bộ phận các chuyên gia tâm lý riêng để tư vấn cho các trường hợp dự định tự tử. Hiệu trưởng trường cũng đứng trước chỉ trích vì chính sách gây tranh cãi đánh vào danh dự sinh viên với việc thu thêm học phí những ai không đạt yêu cầu.
“Ngày qua ngày, chúng tôi bị mắc kẹt trong một cuộc đua không hồi kết bóp nghẹt chính chúng tôi - Hội sinh viên Kaist nói trong một tuyên bố sau vụ tự tử gần nhất - Chúng tôi không có được 30 phút nghỉ ngơi cho sinh viên vì bài tập về nhà, khóa luận và mọi đòi hỏi khác. Chúng tôi thậm chí đã mất khả năng tươi cười một cách tự nhiên”.
Thanh niên ở Hàn Quốc sống trong nỗi buồn và sức ép đã trở thành mãn tính. Báo New York Times dẫn một nghiên cứu gần đây nói năm thứ ba liên tiếp Hàn Quốc là một trong những nước có nhiều người thấy bất hạnh nhất trong khối OECD. Bộ Giáo dục nước này thông báo 146 học sinh, sinh viên đã tự tử trong năm 2010, bao gồm 53 người ở trường cấp III và cá biệt có cả ba em ở tiểu học. Các chuyên gia tâm lý bày tỏ lo ngại đặc biệt vì nhiều sinh viên không hề tìm tới sự trợ giúp hay tư vấn, họ không có thời gian vì phải bận... ôn thi.
“Xin nhớ cho là học sinh, sinh viên mới chỉ là những cô cậu bé không có nhiều kinh nghiệm với các tình huống không thể lường trước” - New York Times dẫn lời Kim Mi Hee, một chuyên gia tâm lý ở Kaist. Kim ước tính 10% sinh viên tại đây đã tới trung tâm của cô nhờ giúp đỡ: “Họ đều là những người thông minh, sáng láng và có thể thích nghi tốt với áp lực. Họ có nghị lực rất lớn, chỉ có điều họ phải chia sẻ. Khi đó, quá trình trị liệu sẽ rất nhanh”. Nhưng rất ít người liên hệ với các chuyên gia tâm lý, và những giáo sư ở Kaist cũng không được huấn luyện để phát hiện các sinh viên trầm cảm.
Vấn đề lan rộng ra toàn xã hội. Các nhà ga xe điện ngầm ở Seoul phải có rào cản để ngăn người ta nhảy vào những đoàn tàu đang đến. Các vụ tự tử của ca sĩ, người mẫu, diễn viên, vận động viên, triệu phú và nhiều nhân vật nổi tiếng khác gần như trở thành chuyện thường nhật. Ngay cả cựu tổng thống Roh Moo Hyun cũng gieo mình xuống vách đá năm 2009 sau khi bị điều tra tham nhũng và cảm thấy mất mặt trước đồng bào.
Câu hỏi của Ken. M - một người nước ngoài - rằng bí mật sâu kín nhất của Hàn Quốc trong chuyện này là gì đã nhận được một câu trả lời như sau: “Bí mật là Hàn Quốc là một xã hội dung túng ở một mức độ đáng kinh ngạc sự tàn nhẫn và độc ác với những người bị thua thiệt trong một xã hội cạnh tranh. Không thể hiểu được vấn đề tự tử ở Hàn Quốc nếu không hiểu điều này: xã hội Hàn Quốc hiện đại được cấu thành trong một cuộc cạnh tranh ở mức độ không thể hiểu thấu đối với hầu hết những ai ở bên ngoài Hàn Quốc, và hoàn toàn không có lòng thương xót cho những người thua cuộc”.
Một xã hội quá nhiều sức ép
Gangnam style hay thậm chí K-Pop có lẽ là những ví dụ tiêu biểu cho sự vươn lên của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Nhưng nhìn từ một phía khác, đó cũng là hiện thân của một làn sóng văn hóa mới hoàn toàn xa lạ với những gì truyền thống đang tràn qua Hàn Quốc. Đi cùng là những kẻ mới giàu, nền văn hóa nhân tạo... vốn chỉ có thể đến trong sự chuyển mình dữ dội về mặt kinh tế của “điều kỳ diệu trên sông Hàn”.
Tuy nhiên, cùng lúc với sự tự tin ngày càng lớn trên trường quốc tế, những nỗi lo lắng, cả về kinh tế, văn hóa và xã hội, cũng ngày càng nhức nhối ở quê nhà, mà những vụ tự tử ngày càng nhiều chỉ là phần nổi của tảng băng. Tỉ lệ tự tử cao, tỉ lệ sinh giảm và một xã hội với những cá nhân tranh đấu liên tục, cô đơn, ít tình cảm, những gia đình rạn vỡ vì mối liên kết giữa họ đang bị chi phối bởi quá nhiều áp lực đang khiến nhiều người Hàn Quốc lo lắng.
Khi ngày càng giàu có, người Hàn Quốc lại ngày càng đặt nhiều câu hỏi về mô hình hiện tại. Thống kê của OECD cho thấy tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng ở Hàn Quốc vào loại nhanh nhất trong số những nước giàu. Các đại tập đoàn lừng lẫy ở nước ngoài bị cáo buộc đẩy những doanh nghiệp vừa và nhỏ vào cảnh phá sản. Và dù các con số thống kê ấn tượng tới đâu, ngày càng nhiều người Hàn Quốc thấy nghèo khó, bất hạnh, phải làm việc quá sức và chịu quá nhiều sức ép xã hội. Tất cả điều đó khiến tỉ lệ sinh ở nước này giờ chỉ còn 1,23%, thấp hơn hẳn mức thay thế 2,2% và thậm chí còn kém cả Nhật Bản (1,4%).
Người già cô đơn, người trung niên chịu nhiều sức ép, còn người trẻ phải đối mặt với những thách thức rất lớn ngay từ những ngày khởi nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ hiện xấp xỉ 6-7%, hơn gấp đôi so với mức trung bình của toàn lực lượng lao động, gây ra một vấn đề xã hội. “Đang có sự mất cân đối vì nhiều người tốt nghiệp đại học, tìm việc sang trọng, không tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động - Kim Hwan Sik, vụ trưởng Vụ Dạy nghề ở Bộ Giáo dục, nói trên BBC - Nếu như bất kỳ ai rời trường cấp III đều bị đối xử với ít sự tôn trọng và tình trạng tài chính kém hơn, thì ai muốn đi con đường đó chứ”.
Nỗ lực tìm giải phápNgười già cô đơn, người trung niên chịu nhiều sức ép, còn người trẻ phải đối mặt với những thách thức rất lớn ngay từ những ngày khởi nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ hiện xấp xỉ 6-7%, hơn gấp đôi so với mức trung bình của toàn lực lượng lao động, gây ra một vấn đề xã hội. “Đang có sự mất cân đối vì nhiều người tốt nghiệp đại học, tìm việc sang trọng, không tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động - Kim Hwan Sik, vụ trưởng Vụ Dạy nghề ở Bộ Giáo dục, nói trên BBC - Nếu như bất kỳ ai rời trường cấp III đều bị đối xử với ít sự tôn trọng và tình trạng tài chính kém hơn, thì ai muốn đi con đường đó chứ”.
Chính quyền đã tiến hành những nỗ lực tuyệt vọng nhất cho vấn đề. Chẳng hạn đội phản ứng nhanh 100 người ăn lương nhà nước đã được thành lập chỉ để lần tìm trên Internet những dấu hiệu về một ai đó có khả năng tự tử để ra tay ngăn chặn. Trung tâm cho các cuộc gọi khẩn cấp ở Seoul cũng mở một đường dây riêng tư vấn cho những người “đang gặp bế tắc trong cuộc sống”, một cách nói giảm nói tránh của “chuẩn bị tự tử”.Cuộc sống với một sinh viên Hàn Quốc luôn có quá nhiều sức ép phải thăng tiến trên những bậc thang xã hội - Ảnh: groovekorea.com
Nhưng những cố gắng là khá hạn chế. Tiến sĩ Hong Kang Ee, chuyên gia tâm lý học, nói với BBC: “Những gì chúng tôi có thể làm là khá hạn chế. Một số cuộc gọi mà tôi nhận được là từ những người đã cương quyết kết liễu đời mình và chỉ gọi để thông báo nhờ để ý tới thi thể của họ. Những người khác thậm chí gọi đến để hỏi cách tốt nhất để tự tử. Cũng có vài tình huống chúng tôi can thiệp được, nhưng chúng ta cần những giải pháp mang tính nền tảng hơn”.
Năm 2011, Quốc hội Hàn Quốc đã yêu cầu chính phủ có động thái quyết liệt hơn với những vụ tự tử, bao gồm tăng cường ý thức của người dân, các chương trình xã hội và hoạt động cộng đồng, tiền sẽ được chi. Nhiều hành động đã thực hiện, từ giải pháp thô như lắp camera trên các cầu sông Hàn, rào chắn tàu điện ngầm, các đội phản ứng nhanh tới biện pháp tinh vi hơn như các trung tâm hỗ trợ tâm lý, nâng cấp các trung tâm thần kinh...
Cựu tổng thống Lee Myung Bak từng có chuyến thăm hàng loạt trường dạy nghề và có những phát biểu hướng nghiệp với thanh thiếu niên tại đó. Ông gọi họ là những người tiên phong mới của Hàn Quốc. “Cần có sự thừa nhận bốn năm kinh nghiệm làm việc tương đương với một tấm bằng. Chính quyền sẽ phải làm gương và các định chế công không được phân biệt đối xử với những người đi làm ngay sau khi rời trường cấp III, sau đó mới hi vọng lĩnh vực tư nhân làm theo” - vụ trưởng Kim Hwan Sik thử đưa ra một giải pháp.
Đó có lẽ cũng chỉ là những giải pháp bề nổi khi vấn đề xuất phát từ những nguyên nhân mang tính nền tảng sâu xa với cả xã hội.
Theo: Yume.vn
No comments: