“Philippines không hề mạo hiểm, kể cả về mặt chính trị lẫn pháp lý… Họ đã nghiên cứu rất kỹ và tìm được khe rất hẹp để đệ đơn kiện Trung Quốc.”, Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, T.S Trần Công Trục đánh giá.
Một nhóm hải quân và chính trị gia Philippines thăm Scarborough, bãi đá ngầm tranh chấp với Trung Quốc, trong một bức ảnh năm 1997
Việc Philippiness đâm đơn kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về thực hiện công ước luật Biển 1982 mới đây đang thu hút nhiều quan tâm tranh luận trong giới nghiên cứu cũng như công luận thế giới, với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Vậy, theo ông đâu là bản chất của vụ kiện này?
Đúng là kể từ khi Philippines gửi đơn kiện lên Tòa án trọng tài của Liên Hợp Quốc vào 22/1/2013 đã gây ra sự xôn xao trong dư luận. Lúc đầu, tôi tưởng họ kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên vùng biển Đông. Nhưng khi tiếp cận tài liệu, theo nhận xét của tôi, Philippines kiện dựa trên điều khoản liên quan đến việc giải thích, áp dụng công ước Luật Biển với một vùng biển có liên quan đến các bên.
Đó là nội dung chính nguyên đơn khởi kiện chứ không phải kiện để giải quyết tranh chấp giữa các đảo, quần đảo của 2 bên hay kiện để phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn. Nội dung họ kiện là phía Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai so với những quy định của Công ước luật Biển 1982 mà Trung Quốc và Philippines là thành viên.
Có nghĩa Philippines cho rằng Trung Quốc suy diễn quy định theo hướng có lợi cho mình?
Theo nội dung đơn khởi kiện, Philippines kiện Trung Quốc về việc giải thích và áp dụng sai quy định trong Công ước để đưa ra đường biên giới trên biển gồm 9 đoạn (đường lưỡi bò) không căn cứ vào các quy định của công ước. Đường 9 đoạn đó trái hoàn toàn với công ước do việc hiểu và áp dụng sai.
Một điểm nữa, Philippines kiện phía Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa như là một quốc gia quần đảo để tạo ra đường bao quanh tất cả các đảo. Một trong những lý do Trung Quốc nói họ có đường biên giới biển hình 9 đoạn là vì họ có chủ quyền với Trung Sa, Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), … chính thức hóa bằng quyền xác định đường cơ sở, đường lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các quần đảo này.
Theo định nghĩa của Công ước luật Biển, quần đảo Hoàng Sa không phải là một quốc gia quần đảo nên Trung Quốc không có quyền đưa ra quy chế với quốc gia quần đảo này để thiết lập cho quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo quy định, mỗi đảo (đúng với nghĩa “đảo” theo Công ước) sẽ có đường cơ sở riêng của nó. Nhưng đảo nào nhỏ quá, không thích hợp cho con người ở, không có đời sống kinh tế riêng thì không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy nên việc vận dụng, áp dụng đưa ra tuyên bố như Trung Quốc làm cũng là sai.
Vậy nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng hành động kiện Trung Quốc của Philippines là mạo hiểm, nhiều tính may rủi?
Tôi nghĩ Philippines không hề mạo hiểm, kể cả về mặt chính trị lẫn pháp lý. Họ làm việc này không vì một sự bức bách, vì thế cân bằng nào đó mà ở đây có sự tính toán nghiên cứu hết sức cẩn thận. Tôi cho rằng người nghiên cứu đưa ra kiến nghị này chắc chắn có tham khảo cả nhiều luật sư khác trên thế giới.
Theo quy định, kiện tranh chấp khi đưa ra cơ quan tài phán nào cũng cần sự thỏa thuận của các bên liên quan thì tòa mới thụ lý, xem xét. Còn đây là kiện về việc áp dụng pháp luật thì có quyền đơn phương gửi đơn. Cơ quan tài phán khi đó có quyền đưa ra phán quyết. Vậy nên có những luật sư nói, Philippines đã nghiên cứu rất kỹ và tìm được khe rất hẹp để đệ đơn kiện.
Hiện cơ quan tài phán trọng tài của LHQ đã thành lập theo đúng phụ lục 7 của Công ước, đã tiếp nhận đơn kiện này, họ sẽ nghiên cứu trên nội dung các bên kiện có thuộc thẩm quyền của mình không.
Vẫn có ý kiến lo ngại về việc liệu một tòa án quốc tế hay hội đồng hòa giải quốc tế có sớm được lập hay không và nếu có, tiến trình để có phán quyết về việc này cũng không thể nhanh được ?
Gần đây Tổng Thư ký LHQ cũng lên tiếng khuyến khích các bên đàm phán hòa bình và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật để giải quyết vấn đề… Còn đòi hỏi ngay lập tức các cơ quan tài phán lên tiếng đúng như ý nguyện thì hơi sớm.
Đây gần như là vụ kiện đầu tiên về việc giải thích và áp dụng Công ước luật Biển quốc tế. Chắc chắn các cơ quan tài phán cần sự nghiên cứu cụ thể để làm sao thuyết phục được các bên nghiêm túc thực hiện công ước, tránh những tranh chấp, mầm mống của sự tranh chấp và đó là hành động nỗ lực góp phần để giải quyết tranh chấp. Và tôi cho rằng đây là việc thiết thực.
Nhìn lại quá trình tranh chấp trên biển gần đây dường như Trung Quốc vừa đàm phán vừa đe dọa. Vì vậy, nhiều người đánh giá động thái khởi kiện này của Philippines cũng là để tránh đối đầu về quân sự, chuyển sang việc đối đầu về lý lẽ giữa các chuyên gia luật pháp với nhau?
Nhận định này rất đúng vì rõ ràng trước hết, Philippines là nước đã trực tiếp va chạm trong các vụ tranh chấp, kể cả vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng như các vùng biển. Họ hiểu rằng khả năng ngồi lại với Trung Quốc để giải quyết vấn đề rất khó và khả năng tiếp tục đối đầu có thể dẫn đến xung đột nguy hiểm, trước hết là những việc va chạm, bắt bớ tàu bè, đánh đuổi nhau trên biển…
Rõ ràng để giải quyết một cách cơ bản, hòa bình, Philippines đã rất thiện chí.
Nhìn vào ứng xử của Philippines những năm gần dây, dư luận nhận xét, dù quốc gia này không phải một nước lớn nhưng họ đã tỏ ra rất cứng rắn, mạnh mẽ trước Trung Quốc. Ý kiến của ông thì sao?
Tôi không đồng tình với nhận xét Philippie rất cứng rắn trong ứng xử với Trung Quốc và cho rằng những việc họ làm rất đúng, hợp với quy định trong công ước luật Biển. Là một nước không lớn về kinh tế, quân sự… so với Trung Quốc, họ cũng phải tính toán hết bài toán lợi ích. Tôi cho rằng việc Philippines làm là đúng với tầng mức của mình và việc khởi kiện lần này khiến tôi càng đánh giá cao hơn về điều đó.
Việt Nam có liên đới gì trong vụ kiện này và liệu Việt Nam có cần tiến hành một vụ kiện tương tự hay không?
Chưa nói đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, những tranh chấp về chủ quyền, chỉ riêng việc vụ kiện hướng về cách giải thích và áp dụng công ước sai của Trung Quốc, theo chủ quan của tôi, có rất nhiều đồng cảm với Việt Nam. Phía Việt Nam trước nay cũng cho rằng việc Trung Quốc giải thích để đưa ra đường biên giới trên biển gồm 9 đoạn hoàn toàn không đúng, bất hợp lý, cùng với việc xác định các bãi cạn, đảo, quần đảo, quốc gia quần đảo để xác định đường sơ sở và các vùng biển, dẫn đến yêu sách vô lý.
Việc cần thiết hay không Việt Nam phải tiến hành một vụ kiện riêng về nội dung tương tự song song với Philippines, tôi nghĩ các cơ quan liên quan và các chuyên gia luật pháp phải ngồi lại với nhau thảo luận, tính toán. Chúng ta nên có thái độ, phản ứng và lựa chọn để nói rõ trên mặt trận pháp lý về việc giải thích, áp dụng công ước luật Biển của Trung Quốc có nội dung dung sai trái và chính đó là nguyên nhân dẫn đến những tuyên bố sai, gây ra tranh chấp hiện tại.
Về việc này tôi cho là Philippines đã làm đúng và chúng ta, nếu không trực tiếp cùng họ làm cũng phải lên tiếng ủng hộ.
Tất nhiên, chuyện tranh chấp về Hoàng Sa, Trường Sa là nội dung khác mà chúng ta phải tính toán, có sự thỏa thuận của các bên.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường – Phương Thảo (thực hiện) - Dân Trí
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments: