Mô hình 4P trong Marketing truyền thống

0 nhận xét

Marketing đã xuất hiện từ rất lâu khi loài người có giao thương, buôn bán. Tuy vậy, phải đợi tới sau thế chiến thứ I và thế chiến thứ II, khi thế giới bước vào sản xuất ổn định cộng thêm với sự trợ giúp của khoa học công nghệ để có thể nhanh chóng tạo ra hàng loạt các mặt hàng giống nhau thì marketing mới thực sự trở nên chuyên nghiệp và được coi trọng.


Vào thập niên 1940, giáo sư Neil Borden tại Harvard Business School đã đưa ra thuật ngữ “marketing mix” (thường được gọi là marketing hỗn hợp tại Việt Nam). Thuật ngữ này là thuật ngữ bao trùm lên nhiều hành động khác nhau mà trong đó người làm marketing có thể “mix” (trộn lẫn) các hành động này theo một tỷ lệ nhất định để đạt được mục tiêu của mình. Nói nôm na, marketing mix giống như một ly cocktail được pha chế từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Theo giáo sư Neil Borden, các nguyên liệu này gồm có :



  • Product Planing (chiến lược xây dựng và phân phối sản phẩm)

  • Pricing (chiến lược giá)

  • Branding (chiến lược quản lý nhãn hàng)

  • Channel of Distribution (kênh phân phối)

  • Personal Selling (chiến lược bán hàng)

  • Advertising (chiến lược quảng cáo)

  • Promotions (chiến lược xúc tiến bán hàng – khuyến mãi – khuyến khích mua)

  • Packaging (chiến lược đóng gói – bao bì)

  • Display (hình ảnh)

  • Servicing (dịch vụ)

  • Physical Handling (vận chuyển, lưu kho, logistic…)


Trong đó, các yếu tố cần cân nhắc sau sẽ ảnh hưởng tới ly cocktail marketing của bạn :



  • Consumer’s Buying Behaviors (hành vi tiêu dùng của người mua)

  • Trade’s Behaviors (hành vi của nhà phân phối, đại lý)

  • Competitor’s Position and Behaviors (vị trí và hành vi của đối thủ)

  • Governmental Behavior (hành vi của chính phủ – thiên về chính sách có lợi/hại cho doanh nghiệp trên bất kỳ phương diện nào)


Nhận thấy ly cocktail này có quá nhiều nguyên liệu, một giáo sư và là nhà tư vấn nổi tiếng khác có tên Jerome McCarthy đã tóm gọn các yếu tố này vào 4 chữ P là :



  • Product – chọn đúng sản phẩm cho đối tượng mua

  • Place – chọn đúng chỗ để tiếp cận đối tượng mua và bán hàng

  • Promotion – chọn đúng cách để nói cho người mua biết về mặt hàng của mình và bán hàng

  • Price – chọn đúng giá để thuận lòng người mua, vừa lòng người bán



Tuy vậy, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học đặc biệt là Internet, blog, forum, mạng xã hội … mô hình 4P này đã bị chỉ trích khá nhiều là lỗi thời. Ngay từ thập niên 1960 người ta đã thêm vào 2 P là Politic (môi trường chính trị) và Public Onion (ý kiến của cộng đồng). Tiếp đó, PolicyPace cũng được thêm vào. Tiếp đến năm 2001 Seth Godin đề xuất thêm 4 P là : Permission, Paradigm, Passalong (Idea virus) và Practice.


Những người làm marketing truyền thống cũng không thể phủ nhận được yếu điểm của mô hình 4P khi sản phẩm không còn phải là điều quá khác biệt nữa (công nghệ tốt và ai cũng có thể sản xuất được như bạn), vị trí cũng không phải là điểm quá khác biệt khi mọi mặt hàng đều có thể bán được trên Internet, tỷ lệ tham gia Promotion theo cách truyền thống hiện nay là quá thấp và người mua đã bị nhờn với các hình thức này, giá cả có thể giảm xuống gần bằng 0 (ví dụ người ta sẽ nghe nhạc trên Internet chứ không mua đĩa CD nữa). Do vậy, một mặt bạn phải nắm vững các mô hình Marketing truyền thống, mặt khác cũng phải cập nhật công nghệ để có sự biến đổi thích hợp với người mua vì một chiến dịch marketing dù có đắt tiền tới đâu mà không có người mua thì cũng là một chiến dịch marketing thất bại.


(pix courtesy of Wikipedia – Under Creative Commons License)

No comments: