Nếu như bạn mới đi xem phim hoạt hình “The Princess and the Frog” thì chắc chắn ngoài những nét vẽ tay tuyệt vời của các họa sỹ Walt Disney thì âm nhạc trong phim cũng sẽ làm bạn mê mẩn. Bộ phim được lấy bối cảnh từ New Orleans, một trong những cái nôi của nhạc Jazz, của King Oliver và cả những câu chuyện thú vị liên quan tới thể loại âm nhạc đầy đam mê này.
Trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX, New Orleans với nền kinh tế vững chắc của mình đã là cái nôi vững chắc để nghệ thuật phát triển. Trong lịch sử đã từng có nhiều ví dụ cho thấy khi kinh tế phát triển thì khoa học kỹ thuật và nghệ thuật cũng phát triển theo. Venice (Italy) vào những năm 1500 tới 1600 phát triển mạn và âm nhạc thời kỳ Phục hưng và tiền-Baroque đã được gieo mầm và phát triển. Pháp và Đức vào những năm 1700-1800 cũng là những nước có tiềm lực kinh tế mạnh, đi cùng nó là nghệ thuật hội hoạ đỉnh cao. Một lần nữa vào những năm 1900 Mỹ là nước phát triển mạnh nhất và New Orrleans là trung tâm của những cơ hội phát triển mới.
New Orleans là một thành phố có thể bao dung mọi thành phần trong xã hội cũng như mọi nền văn hoá. Đầu tiên, thành phố này là của người Pháp trong khoảng 50 năm. Vào năm 1764, nó trở thành thành phố của người Tây Ban Nha trong khoảng 40 năm. Sau khi được trả lại cho người Pháp, cuối cùng nó đã được mua bán để thành một phần của nước Mỹ. Với sự giao thoa này thì đây là một nơi lý tưởng để hoà trộn nền văn hoá châu Phi và phương Tây tạo nên Jazz.
Một vài hiện tượng tự nhiên, xã hội, kinh tế tồn tại ở đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới Jazz. Đầu tiên phải kể đến những người Pháp lai da đen có một nền văn hoá âm nhạc cổ điển trang nghiêm, và tiếp đến là âm nhạc cổ truyền thô mộc ít tinh tế hơn của người da đen.
Thứ hai, một truyền thống tổ chức tang lễ rất đặc biệt nhưng lại phổ biến ở New Orleans với sự tham gia của ban nhạc tang lễ chơi các hành khúc. Trong lịch sử có rất nhiều kiểu nhạc công đã được mời chơi trong các lễ tang, nhưng ở New Orleans, nhạc công chơi theo một cách rất đặc biệt. Như mọi ban nhạc tang lễ chơi ngoài nghĩa địa khác, họ cũng tấu những bản nhạc chậm rãi, u ám. Ngay sau tang lễ, ban nhạc cũng lặp lại những ca khúc đau buồn đó cho đến khi đám rước tiến đến cổng nghĩa trang. Ngay lập tức ban nhạc sẽ chuyển sang loại nhạc nhanh và vui vẻ. Thứ nhạc nhanh và vui này sẽ đi theo đám rước cho tới khi họ về đến thị trấn để rũ bỏ những u sầu khi mất một người thân.
Thứ ba, bên cạnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thành phố còn có 32 khu vực đặc biệt gọi là Storyville (lầu xanh-“red-light” district). Trong mỗi khu thường có 4 lầu xanh 2 tầng, tầng dưới là các phòng lớn và tầng trên dùng để “làm việc”. Các phòng lớn này cũng giống như hộp đêm hiện nay đã chơi một thứ nhạc mới và thịnh hành suốt cả ngày để đem lại thư thái cho những ông chủ. Khu Storyville này đã đem lại rất nhiều công việc cho các nhạc công chơi Jazz.
Khi dòng nhạc Dixieland bắt đầu phát triển cũng là lúc phong cách chơi nhạc và nhạc cụ được định hình. Các nhạc cụ chuẩn bao gồm kèn trumpet(hoặc cornet), clarinet, trombone, banjo, tuba và trống.
Trumpet thông thường là loại nhạc cụ “to mồm” nhất trong số này và hấu hết thời gian trumpet đảm nhận vai trò chính trong ban nhạc. Người chơi trumpet thường được gọi là “King”. Ngoài vai trò chơi nhạc theo giai điệu có sẵn, trumpet còn có nhiệm vụ chơi những khúc ngẫu hứng. Thông thường các nhạc công sẽ tự chơi những khúc ngẫu hứng theo ý mình, tuy vậy cũng không đi quá xa với bản nhạc để đến nỗi công chúng không còn nhận ra được. Ngoài ra, người thổi kèn trumpet với vai trò “to mồm” nhất của mình còn phải sáng tạo thế nào để có thể lôi kéo đông đảo dân chúng lắng nghe. Clarinet cung cấp các hoà âm và đối âm dựa trên nền trumpet chính. Clarinet không to mồm như trumpet, nhưng lại có khả năng chơi nhanh và với âm vực cao hơn. Một nghệ sỹ clarinet giỏi có thể thêm rất nhiều sáng tạo độc đáo cho bản nhạc của mình. Trong khi đó, kèn trombone với thanh kéo của mìnhcó thể dễ dàng tạo ra những âm méo (pitch-bend), những âm thanh phổ biến trong nhạc Jazz. Có thể nói, với ba nhạc cụ trong bộ kèn hơi này, một thứ âm nhạc phức điệu(polyphonic) đã được ra đời.
Bên cạnh đó, các ban nhạc còn sử dụng các nhạc cụ giữ nhịp bao gồm tuba,banjo và bộ gõ. Tuba cung cấp những âm thanh trầm(bass), banjo cung cấp những hợp âm ổn định, còn trống và bộ gõ tạo ra nhịp của bài hát.
Vào cuối thế chiến lần thứ nhất, những sự thay đổi trong luật pháp đã làm cho khu Storyville bị tan rã. Với việc mất đi các saloon và chỗ làm việc, các nghệ sỹ bắt đầu chuyển sang sống ở các khu vực khác của nước Mỹ, phần lớn ở Chicago. Với sự gia nhập này, một dòng nhạc Jazz mới đã được hình thành.
(pix courtesy of ePi.Longo – Under Creative Commons License)
No comments: