Top 10 nghệ sỹ nhạc Jazz chơi kèn Saxophone có ảnh hưởng nhất

0 nhận xét

Khi Adolphe Sax làm ra cây kèn saxophone đầu tiên vào năm 1841, có lẽ ông cũng không tưởng tượng được cây kèn của mình sau này sẽ được phổ biến khắp nơi như vậy. Nếu như cây đàn guitar điện là nhạc cụ không thể thiếu được với Rock’n'Roll thì Saxophone lại làm nên linh hồn cho những bản nhạc Jazz. Người ta không thể chối từ một sự thật rằng trong những bước đường phát triển của nhạc Jazz chưa từng bao giờ thiếu vắng những nhạc công chơi kèn Saxophone. Bằng cách đi lướt qua tiểu sử của 10 nhạc công chơi Sax lừng danh nhất thế giới, chúng ta sẽ có thể biết được nhiều hơn về sự phát triển của nhạc Jazz.


10.Grover Washington Jr (1943-1999)



Grover Washington có thể được coi là người khởi đầu cho nhánh nhạc Smooth Jazz. Mặc dù vậy, trên thực tế ông là nhạc công chơi jazz-funk/soul-jazz nhiều hơn. Là một trong những nhạc công có tài, ông có thể chơi được nhiều loại Saxophone khác nhau (từ soprano, alto, tenor cho tới baritone sax). Grover Washington đạt tới đỉnh cao sự nghiệp khi phát hành album mang tên Winelight vào thập niên 70s. Cách ông chơi kèn đã hòa quyện đươc R&B và Jazz, gây ảnh hưởng lớn tới các nghệ sỹ đàn em như Kenny G, Walter Beasley, Steve Cole, hay Pamela Williams.


9.Julian “Cannonball” Adderley (1928-1975)



Nick name của Adderley được bắt nguồn từ chữ Cannibal do hồi bé ông rất háu ăn. Cannonball là một trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng rất lớn tới nhạc Jazz, đặc biệt là những người chơi hard bop (mở rộng từ bebop – sự kết hợp giữa R&B, Gospel, Blues). Ông chủ yếu chơi Alto Sax và đã rất thành công trong Miles Davis Quintet vào khoảng năm 1957 khi biểu diễn cùng John Coltrane. Mặc dù không được biết nhiều tới như Charlie Parker hay John Coltrane ở ngoài đời thì trong làng nhạc Jazz, Cannonball có sức ảnh hưởng rất lớn nhờ những nốt nhạc phức tạp nhưng thanh thoát được phát ra từ tiếng kèn đầy ngẫu hứng của ông. Julian “Cannonball” Adderley được coi là một trong những biểu tượng lớn nhất về nhạc Jazz thập niên 1950s-1960s.


8.Stan Getz (1927-1991)



Stan “The Sound” Getz được coi là nghệ sỹ có công nhất trong việc phổ biến Cool Jazz (một nhánh của nhạc Jazz phát triển sau thế chiến thứ II), Bossa Nova và nhạc Jazz hiện đại. Năm 15 tuổi, Stan Getz đã gia nhập nhóm nhạc của Jack Teagarden và tiếp sau đó được chơi cùng với các đàn anh như Stan Kenton, Jimmy Dorsey, hay Benny Goodman. Thập niên 1950s, Stan Getz đã rất nổi tiếng với vai trò phát triển Cool Jazz. Tới thập niên 1960s, ông chuyển sang nghiên cứu về Bossa Nova để giới thiệu cho công chúng. Nhắc tới Stan Getz, không ai lại không biết Desfinado hay The Girl from Ipanema. Giai đoạn sau này Stan Getz nghiên cứu về Fusion Jazz và giảng dạy tại đại học Stanford.


7.Sidney Bechet (1897-1959)



Là người đầu tiên trong danh sách này tiếp cận với cây kèn Sax, Sidney Bechet cũng là người đầu tiên đã thành danh với cây Soprano Sax. Có thể nói, ông là người đã phổ biến cây kèn này và nếu trong thời kỳ đầu của nhạc Jazz thì chỉ có Louis Amstrong là có khả năng so sánh với Sidney Bechet khi chơi solo. Xuất phát từ New Orleans, Sidney Bechet cũng là nghệ sỹ nhạc Jazz đầu tiên đã tới châu Âu biểu diễn nhạc vào thời đó.


6.Sonny Rollins (1930 – )



Sonny Rollins là nghệ sỹ chơi Tenor Sax xuất sắc nhất từ trước tới nay, điều mà ai cũng có thể khẳng định được. Sonny Rollins chơi kèn không nhanh và mạnh như một vài nghệ sỹ khác nhưng sự sáng tạo và biến tấu trong âm nhạc của ông thì có thể so sánh được với các nhạc sỹ cổ điển lừng danh như Mozart hay Beethoven. Bản nhạc gốc khi vào tay Sonny Rollins sẽ được mở rộng ra theo mọi chiều cảm xúc. Ông cũng chơi cùng với khá nhiều các nghệ sỹ thế hệ sau mình như Thelonious Monk, John Coltrane, Miles Davis, hay Art Blakey và có tầm ảnh hưởng lớn tới họ cũng như những nghệ sỹ chơi nhạc Jazz khác.


5.Lester Young (1909-1959)



Lester Young là một trong những nghệ sỹ chơi Tenor Sax đáng nói và là hình mẫu của những nghệ sỹ chơi nhạc Cool Jazz. Kỹ năng chơi kèn của ông đã khiến cho cuốn từ điển về các cách thức chơi nhạc Jazz mở rộng thêm. Các tác phẩm nổi tiếng của Lester Young chủ yếu được diễn cùng dàn nhạc của Count Basie. Với tiếng kèn thanh thoát, mềm mại nhẹ nhàng bay bổng của mình, Lester Young không chỉ là một trong những nghệ sỹ lớn thời kỳ nhạc Swing mà còn giúp định nghĩa nhạc Cool Jazz từ trước khi thể loại nhạc này thịnh hành tới cả mấy chục năm.


4.Eric Dolphy (1928-1964)



Eric Dolphy là một trong những nghệ sỹ chơi nhạc Jazz đa dạng nhất từ trước tới nay. Không chỉ nổi tiếng với Alto Sax, ông còn là người đầu tiên sử dụng Bass Clarinet và sáo Flute để solo. Tuy vậy, những gì nổi tiếng nhất gắn với Eric Dolphy cũng gắn với cây kèn Saxophone. Cùng với Charles Mingus, Cecil Taylor và Ornette Coleman, ông đã giúp đưa nhạc Jazz tới một thời kỳ mới vào thập niên 1960s. Những nghệ sỹ sau này như Ron Carter, Freddie Hubbard, Herbie Hancock hay Frank Zappa đều thừa nhận rằng mình có ảnh hưởng từ Eric Dolphy. Khác với các nghệ sỹ nổi tiếng khác, ông không hề động tới ma túy hay rượu mà chỉ nghiện một thứ duy nhất  : tập luyện.


3.Coleman Hawkins (1904-1969)



Trong khi những người bạn thân của ông gọi ông là “Hawk” – diều hâu thì hầu như tất cả mọi người khác đều đồng ý gọi Coleman Hawkins là “thiên tài”. Nếu như Sidney Bechet đã có công kết duyên Saxophone với Jazz thì Hawkins được nhớ tới như người biến Saxophone thành nhạc cụ chính trong Jazz. Ông là người thật sự đã làm cho công chúng mê mẩn với cây kèn trumpet và công nhận vai trò chính của nhạc cụ này trong Jazz. Tiếng kèn của Hawkins như một dòng chảy bất tận với những nốt rung truyền cảm. Không chỉ nổi tiếng ở thời đại Swing, Hawkins còn nổi tiếng tại Manhattan’s 52nd Street cùng với Thelonious Monk, Oscar Pettiford, Miles Davis và Max Roach trong thời kỳ bebop.


2.John Coltrane (1926-1967)



John Coltrane trở thành một biểu tượng lớn trong lịch sử nhạc Jazz nhờ những đóng góp của ông trong sự phát triển của dòng nhạc này. Là một trong những người đi tiên phong và nổi bật trong các thể loại bebop, hard bop và free jazz, ông đã dấn thân vào hầu hết các dòng Jazz có trong thời kỳ của mình và đều đạt được thành công. Thường chơi với Miles Davis, Thelonious Monk và Charlie Parker, John Coltrane tạo dấu ấn với cao trào trong đó hàng trăm nốt nhạc được chơi trong vòng một phút. Không chỉ là nhạc công cừ khôi, Coltrane còn là nhạc sỹ cừ khôi với các bản nhạc được coi là chuẩn mực của Jazz.


1.Charlie Parker (1920-1955)



Người ta thường nói về thời kỳ trước khi có Charlie Parker và sau khi có Charlie Parker để nói lên tầm quan trọng của ông với sự phát triển của nhạc Jazz. Không hề quá lời khi đưa ra nhận định rằng ông đã thay đổi tất cả những gì ông chạm vào trong nhạc Jazz, Charlie Parker là một trong những người tạo ra bebop, là người đưa các hợp âm 9th,11th,13th vào Jazz. Ông cũng là người đưa âm hưởng của nhạc Latin và nhạc cổ điển vào Jazz. Charlie Parker có thể chơi những đoạn nhạc nhanh đầy sức mạnh cho tới những đoạn phiêu mềm mại và tất cả đều tràn đầy cảm xúc. Rất nhiều những nghệ sỹ chơi Sax hiện nay đều coi những đoạn solo của Charlie Parker như cuốn kinh thánh về âm nhạc. Charlie Parker ra đi rất sớm (ở tuổi 34) và đó quả thật là điều đáng tiếc cho âm nhạc và nhân loại bởi nếu ông ở lại Trái Đất này lâu hơn, chúng ta sẽ không thể biết được sự sáng tạo của ông còn giúp nhạc Jazz phát triển tới mức nào.

No comments: