Đồng tử (pupil) của mắt luôn có màu đen nhưng phần bao quanh đồng tử (thường được gọi là tròng mắt hay mống mắt) thì có nhiều màu khác nhau : nâu, xanh, xám, màu hạt dẻ … Phần này được gọi là iris – từ có gốc trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là cầu vồng.
Màu sắc của tròng mắt được quyết định bởi sắc tố có tên là melanin. Chất này cũng có trong tóc và da của người với hàm lượng khác nhau. Việc có ít hay nhiều melanin trong tròng mắt sẽ quyết định xem mắt của người có màu gì (đi từ vàng – nâu cho tới nâu đậm- đen). Càng nhiều melanin thì màu mắt lại càng đậm, trong khi những người có ít melanin hơn sẽ có màu mắt xanh. Cũng theo logic trên, những người có ít melanin sẽ có màu da và màu tóc sáng hơn và độ đậm của màu mắt thường sẽ có tỉ lệ thuận với màu da và màu tóc của người đó.
Ban đầu thì màu mắt được các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng được quyết định bởi một gene duy nhất, nhưng trên thực tế thì màu mắt được quyết định bởi nhiều gene khác nhau. Gene tạo ra mắt màu nâu là gene trội, do vậy nếu bố hoặc mẹ có mắt nâu thì bất kể người còn lại có mắt màu gì thì con của họ cũng sẽ có xu hướng có mắt nâu nhiều hơn là mắt xanh. Thêm nữa, do melanin sẽ tăng lên theo tuổi tác nên mắt của các em bé màu xanh sẽ trở nên đậm hơn theo thời gian.
Liệu có người nào có hai mắt với hai màu khác nhau hay không? Câu trả lời là có nhưng rất hiếm. Lịch sử ghi nhận có một số ít người như vậy, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là Alexander đại đế. Trong trường hợp này, thậm chí trong cùng một mắt cũng có thể có nhiều màu khác nhau.
(pix courtesy of linh.ngan – Under Creative Commons License)
No comments: