Thật giả Su-27 Trung Quốc (kết)

0 nhận xét
Trong nhiều năm, không quân Trung Quốc chỉ có trong biên chế các tiêm kích thế hệ 2 cổ lỗ F-7 và J-8 đóng vai trò thành phần chính trong phòng thủ Trung Quốc.

J-8 Trung Quốc

Trong nhiều năm, không quân Trung Quốc chỉ có trong biên chế các tiêm kích thế hệ 2 cổ lỗ F-7 và J-8 đóng vai trò thành phần chính trong phòng thủ Trung Quốc. Mặc dù nhu cầu đối với tiêm kích thế hệ 3 là rõ ràng, nhưng đến năm 1990, những kế hoạch như vậy không được thảo luận.

Sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989 kết thúc bằng việc trấn áp trên quảng trường Thiên An Môn, các nước phương Tây đã hạn chế quy mô hợp tác với Trung Quốc. Các mâu thuẫn Xô-Trung Quốc giảm bớt và Trung Quốc quay sang hướng Liên Xô. Nhưng sự kết thúc của chiến tranh lạnh và sự tan vỡ của Liên Xô cùng với sự căng thẳng tồn tại với Đài Loan đã thuyết phục được ban lãnh đạo không quân Trung Quốc về sự cần thiết phát triển một tiêm kích tiên tiến của mình bởi vì trong tương lai dài hạn, không thể trông cậy vào vũ khí Nga.


Ngày 17/9/1990, một phái đoàn quân sự Trung Quốc đến thăm căn cứ không quân Kubinka, nơi họ được xem các chuyến bay quảng cáo của các tiêm kích MiG-29. Nhưng bán kính chiến đấu của MiG-29 là không đủ cho một đất nước rộng lớn như Trung Quốc, ngoài ra, nó không cho phép giải quyết vấn đề Đài Loan.

Bởi vậy, Trung Quốc tỏ ra quan tâm tới Su-27, loại tiêm kích đắt tiền hơn, nhưng có bán kính chiến đấu lớn hơn. Yêu cầu đầu tiên của Trung Quốc bị ban lãnh đạo Liên Xô bác bỏ, nhưng mấy vòng đàm phán, hợp đồng đã được ký kết. Hai nước đã thỏa thuận cung cấp 24 Su-27, gồm cả loại một và hai chỗ ngồi. Sau đó, hai bên đã đạt được hợp đồng cung cấp thêm 24 Su-27. Các tiêm kích Trung Quốc đặt mua được sản xuất tại các liên hiệp sản xuất máy bay KnAAPO và IAPO.




Hợp đồng mà ở Trung Quốc gọi là “dự án 906” là hợp đồng xuất khẩu Su-27 đầu tiên và vào tháng 2/1991, Su-27 đã thực hiện một chuyến bay trình diễn tại sân bay Nam Uyển ở Bắc Kinh.

Lô đầu tiên gồm 12 chiếc Su-27 (8 Su-27SK và 4 Su-27UBK) đã bay từ Nga sang Trung Quốc qua Mông Cổ vào cuối năm 1991 trong vòng 1 ngày, và sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc chính thức đưa loại máy bay này vào trang bị. Ngày 8/11/1992, 12 chiếc Su-27 còn lại đã được chuyển giao, ngoài ra còn 2 chiếc được Trung Quốc sử dụng cho mục đích nghiên cứu.


Hợp đồng thứ hai mua 24 chiếc Su-27 tiếp theo đã không được ký ngay sau hợp đồng thứ nhất, bởi vì giữa hai nước có những bất đồng về hình thức thanh toán. Với lô đầu, 70% giá trị đã được thanh toán bằng hàng (thực phẩm và hàng công nghiệp nhẹ). Phía Nga cho rằng, các lần giao hàng tiếp đó phải được thanh toán bằng đô la Mỹ, và vào tháng 7/1995, phó chủ tịch quân ủy Trung Quốc Lưu Hoa Thanh đã thăm Nga và chấp thuận yêu cầu của Nga, nhưng với điều kiện phải chuyển giao dây chuyển sản xuất Su-27 cho Trung Quốc. Thế là, hiệp định sản xuất Su-27 theo giấy phép tại Trung Quốc đã được ký kết.


Tháng 4/1996, 10 chiếc Su-27, gồm 4 Su-27SK và 6 Su-27UBK, đã được chuyển giao cho Trung Quốc. 14 Su-27SK còn lại được bàn giao vào tháng 7.


Những tính năng xuất sắc

Những chiếc Su-27 đầu tiên được chuyển giao cho Trung Quốc bắt đầu tuần tra không phận khu vực Đài Loan vào đầu thập kỷ 1990, còn các phi công lái chúng đánh giá các tính năng của Su-27 là “xuất sắc”.

Trong thời kỳ này, Trung Quốc đã bắt tay vào tự lực sản xuất Su-27SK. Nhằm huấn luyện phi công cho đội ngũ Su-27 đang gia tăng, không quân Trung Quốc cần có các biến thể hai chỗ ngồi UBK. Ngày 3/12/1999, Nga và Trung Quốc ký hợp đồng cung cấp 28 Su-27UBK, và 4 chiếc tiêm kích hai chỗ ngồi đầu tiên do IAPO sản xuất đã được chuyển giao cho Trung tâm huấn luyện bay không quân Trung Quốc vào ngày 15/12/2000. Sau đó một tuần, thêm 8 chiếc hội quân với chúng, còn hợp đồng được thực hiện hoàn thành vào tháng 9/2009. Đến lúc này, Nga đã xuất sang Trung Quốc 76 Su-27 (36 Su-27SK và 40 Su-27UBK).

Trong ký hiệu biến thể Su-27SK dành cho Trung Quốc, các chữ cái “S” và “K” có nghĩa là “sản xuất loạt” và “thương mại”. Khác biệt chính của biến thể xuất khẩu so với các Su-27 trong Không quân Nga là trọng lượng cất cánh mà ở các máy bay xuất khẩu đã được tăng lên đến 33 tấn theo yêu cầu của Trung Quốc. Vũ khí không điều khiển của máy bay gồm các loại bom không điều khiển cỡ 100 kg, 250 kg và 500 kg, cũng như các rocket 80 mm, 122 mm và 240 mm. 10 điểm treo cho phép mang tải trọng chiến đấu (vũ khí) lên tới 8 tấn, bộ càng máy bay được gia cường. Những thay đổi là cần thiết bởi vì không quân Trung Quốc yêu cầu mỗi máy bay tiêm kích phải có khả năng thực hiện nhiệm vụ tiến công. Ngoài ra, và đây cũng là điểm chung cho các tiêm kích Nga xuất khẩu, hệ thống tác chiến điện tử trên các tiêm kích này có tính năng bị giảm đi, còn trạm gây nhiễu tích cực L005 đã bị thay bằng L203/L204.

Mỗi lô Su-27 bán cho Trung Quốc đều có những khác biệt về thành phần hệ thống thiết bị điện tử hàng không (avionics). 24 chiếc Su-27 đầu tiên được trang bị hệ thống điều khiển vũ khí SUV-27, hệ thống radar ngắm bắn RLPK-27 và radar N001E. Tầm phát hiện mục tiêu có bề mặt tán xạ hiệu dụng 3 m2 là 70 km. Radar có thể phát hiện đến 10 mục tiêu nhưng chỉ có thể bắn 1. Trên các Su-27 sau đó được lắp radar N001P, cho phép bắn đồng thời 2 mục tiêu. Ngoài ra, các Su-27 chuyển giao sau đó đã được lắp hệ thống dẫn đường tích hợp А737.

Cơ số đạn tối đa cho nhiệm vụ giành ưu thế trên không là 6 tên lửa tầm trung R-27 hoặc 4 tên lửa tầm ngắn R-73. Do những hạn chế bởi hệ thống điều khiển vũ khí, Su-27SK/UBK không thể sử dụng tên lửa R-77.

Biến thể Su-27UBK có tính năng bay hơi kém hơn, trần bay bị giảm xuống còn 17,5 km so với 18,5 km ở biến thể một chỗ ngồi, nhưng tất cả các tính năng chiến đấu vẫn như cũ.

J-11 lên sân khấu

Công nghiệp hàng không Trung Quốc phản đối nhập khẩu tiêm kích nước ngoài và tình thế này duy trì cho đến khi đưa ra quyết định có thể lắp cho tiêm kích J-10 một động cơ của Su-27 thì lúc đó lập trường của ngành công nghiệp mới hơi dịu lại. Nhưng công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn có thái độ tiêu cực đối với quyết định của không quân Trung Quốc về vấn đề sản xuất Su-27.

Nga không muốn bán giấy phép sản xuất Su-27 cho Trung Quốc, nhưng cuối cùng đã nuốt lời khi phía Trung Quốc tuyên bố rằng, nếu Nga không chịu cấp giấy phép, họ sẽ không mua quá 48 chiếc Su-27. Năm 1993, Nga đã chấp nhận ký hợp đồng trị giá 150 triệu USD để chuyển giao cho Trung Quốc các công nghệ, linh kiện và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.




Ngày 6/12/1996, Nga đã cấp cho Trung Quốc giấy phép sản xuất Su-27. Theo điều kiện hợp đồng, Nga phải hỗ trợ công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương (SAC) của Trung Quốc thiết lập dây chuyển sản xuất và sản xuất 200 Su-27 trong 15 năm tiếp theo. Động cơ, radar, avionics và các hệ thống vũ khí sẽ do Nga cung cấp. Ngoài ra, còn có thỏa thuận là trong trường hợp sản xuất bị chậm trễ, Nga sẽ cung cấp cho SAC các linh kiện cần thiết. Su-27 do Trung Quốc lắp ráp được đặt tên “Đồ án 11” và tên gọi J-11 sau khi nhận vào trang bị.

Mùa hè năm 1997, Nga đã cung cấp cho SAC đủ bộ các bản vẽ sản xuất. Nửa đầu năm 1998, SAC đã bắt tay vào sản xuất 2 chiếc Su-27 đầu tiên và ngày 1/9 cùng năm, chiếc J-11 đầu tiên do phi công thử nghiệm trưởng Fu Guakxing (thuộc tiểu đoàn thử nghiệm 1 của không quân Trung Quốc) điều khiển lần đầu tiên cất cánh. Hai máy bay đầu tiên đã được chuyển giao cho không quân Trung Quốc để tiến hành thử nghiệm, việc thử nghiệm hoàn thành vào tháng 12/2000.

Biến thể cơ sở J-11 không khác nhiều so với Su-27SK. J-11 thuộc các serie đầu được trang bị một màn hình hệ thống GPS được lắp bên phải màn hiển thị chính diện. Trên các máy bay sản xuất sau này, các màn hình này được lắp trong thành phần màn hình đa năng tích hợp. Trung Quốc không dự định cải tiến các máy bay J-11 đời đầu. Khi các tên lửa có điều khiển của Nga hết hạn, lô máy bay này sẽ bị loại bỏ.

J-11B/BS

Thành công trong lắp ráp J-11 đã thúc đẩy Trung Quốc chế tạo biến thể cải tiến sử dụng linh kiện Trung Quốc có tên gọi J-11В và biến thể hai chỗ ngồi J-11BS. Máy bay này được lắp radar xung-Doppler điều khiển vũ khí mới của Trung Quốc với khả năng đồng thời phát hiện 20 mục tiêu và dẫn các tên lửa tới 6 mục tiêu trong số đó. Thiết bị trong buồng lái đã được cải tiến hơn nữa nhờ lắp màn hiển thị chính diện giao thoa laser và màn hình ba màu đa năng.




J-11В có thể sử dụng các tên lửa không đối không tầm trung PL-12 lắp đầu tự dẫn radar chủ động và tên lửa tầm gần PL-8 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại của Trung Quốc. Để lắp các tên lửa này, Trung Quốc đã thiết kế các mấu treo mới. Do cánh đuôi của PL-8 có kích thước khá lớn nên họ buộc phải thiết kế mấu treo đầu mút cánh kiểu bậc – chỉ có thể phân biệt J-11В với J-11/Su-27SK thông qua dấu hiệu bên ngoài này. Các thay đổi khác là lắp chụp mũi rẽ dòng màu đen và hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận màu trắng bố trí ở hai bên chụp đuôi rẽ dòng của J-11В.

Khác biệt quan trọng nhất của J-11В là động cơ FWS10 Taihang do Trung Quốc thiết kế, giống với động cơ F110 của General Electric (Mỹ) và sử dụng nhiều công nghệ của động cơ Nga AL-31. Lực đẩy danh định của động cơ này là 77,6 kN, lực đẩy ở chế độ tăng lực là 132 kN. Để so sánh, động cơ AL-31F ở chế độ danh định có lực đẩy 72,8 kN và 125 kN ở chế độ tăng lực. Tỷ lệ trọng lượng/lực đẩy của động cơ là 7,5, cao hơn chỉ số này của AL-31F (7,1).

Ở J-11В có sử dụng các vật liệu composite nên giảm được 700 kg trọng lượng, và để duy trì trọng tâm, một vật dằn được bổ sung vào phần mũi. Nhờ sử dụng các vật liệu hấp thụ radar, bề mặt tán xạ hiệu dụng của J-11В nhỏ hơn 25% so với Su-27.

J-11В thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 6/2002 và cũng do phi công Fu Guakxing (?) điều khiển. 18 tháng sau, phi công thử nghiệm Bi Hongjun (?) đã hoàn thành việc bay thử J-11В và máy bay được chuyển giao cho không quân Trung Quốc.

J-11BJ/J-15

Năm 1999, Trung Quốc đã mua từ Ukraine tàu sân bay đóng dở Varyag mà họ định sử dụng làm tàu huấn luyện. Việc lựa chọn tiêm kích Su-33 làm máy bay trên hạm cho tàu sân bay này xem ra hợp lý, nhưng Nga đã bác bỏ yêu cầu Trung Quốc mua Su-33 vì Trung Quốc tỏ ý muốn mua chỉ 2 máy bay. Cuối cùng, Trung Quốc quay sang cầu cứu Ukraine và mua được mẫu chế thử thứ ba của Su-33 là Т-10K-3.

Thật may mắn cho Trung Quốc, Т-10K-3 là biến thể sản xuất loạt đầu tiên của Su-33, hầu như giống hệt các máy bay sản xuất loạt. Ở mẫu chế thử này, các ốp gốc cánh được tăng kích thước và chiều cao sống đuôi được giảm đi do những vấn đề phát hiện được khi thử nghiệm mẫu thử nghiệm Т-10K-2.




Nhưng điều cơ bản nhất là khung thân Su-33 không khác nhiều Su-27. Đây là một thông tin tuyệt vời đối với Trung Quốc. Với những kiến thức có được khi nghiên cứu Т-10K-3, Trung Quốc đã chế tạo tiêm kích trên hạm trên cơ sở J-11B có tên J-11BJ, sau đó đổi thành J-15 Cá mập bay.

Những khác biệt giữa J-11 và J-15 cũng chính là những khác biệt giữa Su-27 và Su-33. Những thay đổi trong thiết kế sau đây được thực hiện: bổ sung cánh ngang phía trước, hệ thống gấp cánh, ống không tốc và chụp đuôi rẽ dòng; lắp càng trước 2 bánh, các càng chính được gia cường; bổ sung móc hãm đà hạ cánh; lắp ống nhận tiếp dầu trên không; trạm định vị quang học được chuyển sang mạn phải.

Ngoài ra, tiêm kích này được trang bị radar mạng pha và động cơ FWS10H có lực đẩy lớn hơn và sức tăng tốc cao hơn. J-15 có thể sử dụng đến 4 tên lửa chống hạm С-803 do Trung Quốc sản xuất, và hiện đang được thử nghiệm.

Su-30

Bị ấn tượng mạnh trước những đòn không kích chính xác mà Không quân Mỹ trình diễn trong những năm 1990, lãnh đạo không quân Trung Quốc đã vứt bỏ chiến thuật nặng về phòng thủ và chấp nhận quan niệm có tính tiến công hơn. Họ đã quyết định mua một loại máy bay tiêm kích có bán kính chiến đấu lớn hơn và còn nặng hơn so với Su-27, mà cụ thể là có khả năng sử dụng các tên lửa không đối diện chính xác cao.

Vào cuối năm 1996, trong chuyến thăm Nga, thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng đã ký hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD mua 40 tiêm kích đa năng. Việc đàm phán về điều kiện hợp đồng đã bắt đầu ngay sau đó. Công ty Sukhoi đã thấy được tiềm năng to lớn khi thực hiện các yêu cầu của Trung Quốc đối với Su-30MK. Họ đã quyết định áp dụng các công nghệ của Su-27М khi phát triển tiêm kích mới mà vẫn giữ lại các cánh đuôi ngang cao và mỏng làm bằng sợi carbon có cốt. Chúng có thể dùng để chứa nhiên liệu để tăng tầm hoạt động. Biến thể này có ký hiệu Su-30MKK (Chữ “K” có nghĩa là Trung Quốc).

Cuối cùng, sau 2 năm đàm phán, Nga đã đồng ý bán Su-30MKK cho Trung Quốc. Các chi tiết của hợp đồng đã được thống nhất trong thời gian diễn ra triển lãm hàng không ở Chu Hải năm 1998.




Tháng 3/1999, khi thăm Nga, thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã ký hợp đồng chính thức mua 38 Su-30MKK. Sự kiện nay là một thời điểm định mệnh nữa trong quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung Quốc. Cùng tháng, mẫu chế thử đầu tiên của Su-30MKK thực hiện chuyến bay đầu tiên ở Zhukovsky.

Tháng 11/2000, mẫu chế thử mang số hiệu “502 xanh da trời” đã được giới thiệu tại triển lãm hàng không Chu Hải, sau đó một tháng, lô đầu tiên gồm 10 chiếc Su-30MKK đã được chuyển tới Trung Quốc. Lô 10 chiếc thứ hai được bàn giao ngày 21/8/2001, còn lô cuối cùng gồm 18 máy bay Trung Quốc nhận được vào tháng 12/2001.

Tháng 7/2001, chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hợp đồng mua thêm 38 Su-30MKK.

Năm 2002, hai bên bắt đầu đàm phán về việc mua biến thể Su-30MK2 cho hải quân Trung Quốc, biến thể này có hệ thống điều khiển vũ khí được thay đổi cho phép sử dụng tên lửa chống hạm Kh-31А.

Đầu năm 2003, hai bên đã ký hợp đồng mua bán 24 Su-30MK2 cho hải quân Trung Quốc. Các máy bay đã được bàn giao vào năm 2004.

Su-30MKK là tiêm kích hoàn thiện hơn so với Su-27SK/Su-27UBK. Máy bay này có thêm 2 điểm treo, mỗi điểm treo đó cho phép mang đến 2 tấn tải trọng. Chúng được bố trí ở phần gốc cánh và cho phép treo các tên lửa không đối diện cỡ lớn. Tải trọng chiến đấu tối đa được tăng từ 6 lên 8 tấn, còn dự trữ nhiên liệu tối đa lên tới 10.185 kg. Ngoài ra, máy bay được lắp thêm vòi nhận tiếp dầu trên không. Do trọng lượng tăng, bộ càng và một phần các bộ phận của khung thân đã được gia cường. Khi làm nhiệm vụ giành ưu thế trên không, Su-30MKK có thể sử dụng các tên lửa R-77 và R-73, còn khi làm nhiệm vụ tấn công, máy bay có thể sử dụng các tên lửa Kh-59, Kh-29 và Kh-31, cũng như các loại bom laser khác nhau.

Su-30MKK được lắp radar ngắm bắn RLPK-27 với anten N001VE. Là biến thể đơn giản hóa của radar N001V, N001VE có thể phát hiện các mục tiêu ở tầm 100 km. Radar có thể bám đến 10 mục tiêu và bắn 2 trong số đó bằng tên lửa R-77. Su-30MK2 dành cho không quân hải quân được trang bị radar N001VEP có tầm phát hiện tăng lên đến 110 km. Biến thể này cũng có thể sử dụng các loại tên lửa Kh-59 và Kh-31А.


Nguồn: A Flanker - vietnamdefence.com



No comments: