Hy Lạp cổ đại là một trong những nền văn minh rất giỏi về địa lý và là nơi ra đời của số pi (π) nhưng lại từ chối sự có mặt của số 0. Nghịch lý này tiếp tục tồn tại cho tới thời La Mã. Trong khi đó, số 0 đã được manh nha hình thành bởi hệ thống số của người Ấn Độ (là hệ thống mà chúng ta đang sử dụng hiện tại). Những người này thể hiện số 10 và số 100 bằng cách viết vào đằng sau số 1 một dấu chấm (phải chăng phóng to dấu chấm này ra sẽ ra số 0?).
Ngày nay, từ được dùng nhiều nhất trên thế giới để chỉ số 0 ở các ngôn ngữ khác nhau là “zero” được tạo bởi nhà toán học lừng danh Leonardo Fibonacci (nổi tiếng với dẫy số Fibonacci). Ông đã sử dụng từ “sifr” có gốc Ả rập (có nghĩa là trống rỗng), thêm vào đó hậu tố tiếng Ý để trở thành “zefiro” và sau đó là “zero”.
Nếu bạn đã đọc về mốc thời gian Công Nguyên thì chắc hẳn cũng biết rằng trong dương lịch hiện tại không có năm nào là năm 0. Tuy vậy, người Mayan cổ đại đã có “ngày 0″ để đánh dấu lịch của họ (tương đương với ngày 11 tháng 8 năm 3114 trước Công Nguyên). Năm 1975, khi Khơ me Đỏ với sự lãnh đạo của Pol Pot chiếm được quyền lãnh đạo Cam-pu-chia, đội quân tàn bạo này đã chuyển lịch thành năm số 0 và muốn xóa bỏ tất cả những gì trước đó (và đã gây ra nạn diệt chủng ngay trên quê hương mình!).
“Zero” còn được sử dụng trong một số thuật ngữ như “Ground Zero” để chỉ tâm chấn của một vụ thảm họa hoặc một vụ nổ. Ví dụ, Ground Zero của thảm họa Hiroshima là nơi quả bom nguyên tử đã rơi xuống. “Mitsubishi Zero” là biệt danh của những chiếc máy bay A6M của Nhật Bản đã tấn công vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) trong thế chiến thứ hai.
(pix of Leo Reynolds – Under Creative Commons Licenses)
No comments: