Thế nào là khoa học

0 nhận xét
Thế nào là khoa học

Khái niệm “khoa học”

Tưởng rằng khái niệm “khoa học” không còn gì để bàn, nhưng thực ra không phải như vậy. Khoa học với nghĩa được sử dụng ngày nay lúc đầu chỉ là một phương hướng nghiên cứu triết lý tự nhiên (natural philosophy) trong triết học. Đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, phương hướng triết lý tự nhiên mới thực sự tách khỏi triết học để hình thành khái niệm tương tự khái niệm “khoa học” ngày nay[1]. Nói tương tự là vì, khi đó khái niệm “khoa học” chỉ mới bao gồm khoa học tự nhiên. Trong giai đoạn tiếp sau mới xuất hiện những lĩnh vực khác nhau về khoa học xã hội và triết học (triết học hiện được xem là một hướng khoa học riêng biệt, không đặt trong khoa học xã hội, theo những tư tưởng phân loại khoa học của Engels-Kedrov)[2]. Từ đó đến nay, có rất nhiều khái niệm về “khoa học” đã xuất hiện. Vì vậy, chọn khái niệm nào phù hợp với một nhu cầu cụ thể là điều rất đáng bàn, trong đó có vấn đề lựa chọn khái niệm “khoa học” để sử dụng trong Luật.



Điều 2 của Luật định nghĩa: “Khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy”. Định nghĩa như vậy hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, xem xét quá trình phát triển của khái niệm “khoa học”, chúng ta hoàn toàn có thể đặt vấn đề định nghĩa khái niệm “khoa học” trong Luật nên như thế nào để phù hợp hơn với tính chất của khái niệm này trong một đạo luật về KH&CN.

Chúng ta hãy cùng xem xét khái niệm “khoa học” từ các nguồn tư liệu khác nhau.

Từ điển Larousse (2002) của Pháp định nghĩa: “Khoa học là một tập hợp tri thức đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm về các sự kiện, sự vật và hiện tượng tuân theo một quy luật xác định”.

Từ điển Triết học của Liên Xô (bản tiếng Việt, 1975) định nghĩa: “Khoa học là lĩnh vực hoạt động nhằm mục đích sản xuất ra những tri thức mới về tự nhiên, xã hội và tư duy bao gồm tất cả những điều kiện và những yếu tố của sự sản xuất này”.

Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô (1986) định nghĩa: “Khoa học là lĩnh vực hoạt động của con người, có chức năng xử lý và hệ thống hóa về mặt lý thuyết các tri thức khách quan”, “Là một trong những hình thái ý thức xã hội, bao gồm trong đó cả những hoạt động nhằm thu nhận các kiến thức mới, và cả những kết quả của các hoạt động đó”.

Từ điển MacMillan English Dictionary for Advanced Learners (2006) định nghĩa: “Khoa học là một hoạt động nghiên cứu và kiến thức về thế giới vật lý và hành vi của nó, dựa trên các thực nghiệm và các sự kiện được kiểm chứng và được tổ chức thành hệ thống”. Tiếp theo định nghĩa này, trong từ điển MacMillan tách ra hai từ mục: (1) Khoa học là một lĩnh vực nghiên cứu (an area of study) sử dụng các phương pháp khoa học, và (2) Khoa học là một chủ đề nghiên cứu (a subject), chẳng hạn, vật lý học, hóa học.

Từ điển Cobuild Learner’s Dictionary (2001) định nghĩa: “Khoa học là một study về giới tự nhiên và hành vi của giới tự nhiên”, đồng thời cũng đưa ra định nghĩa thứ hai: “Khoa học là những tri thức đạt được từ công việc nghiên cứu”. Còn study thì được định nghĩa là một “activities of studying”, nghĩa là một loại hoạt động.

Từ điển Hutchinson Dictionary of Ideas (1994) định nghĩa: Khoa học là “any systematic field of study”, nghĩa là một lĩnh vực nghiên cứu có hệ thống và “nhằm sản xuất ra (to produce) các tri thức”.

Từ điển Xã hội học của Nguyễn Khắc Viện (1994) định nghĩa: “Khoa học là một thiết chế xã hội” (Nguyễn Khắc Viện gọi là thể chế xã hội). Định nghĩa này dựa trên nghiên cứu của một nhà nghiên cứu lịch sử khoa học người Mỹ, D.J. Price từ năm 1972.

Qua các từ điển được tra cứu, chúng ta thấy, về cơ bản có 4 định nghĩa về khoa học dựa trên 4 cách tiếp cận sau:

1. Khoa học là một hệ thống tri thức

2. Khoa học là một hoạt động sản xuất tri thức

3. Khoa học là một hình thái ý thức xã hội

4. Khoa học là một thiết chế xã hội.

Cả 4 khái niệm này đều có chỗ đứng trong tư duy và hành động của cộng đồng những người làm nghiên cứu và quản lý khoa học. Tuy nhiên, cân nhắc để đưa khái niệm nào vào Luật có lẽ cũng là điều đáng bàn.
The nao la khoa hoc by st

No comments: