Một trong những điều thắc mắc chính khi các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản đang ở trong tình trạng có thể rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài là lượng phóng xạ như thế nào sẽ gây ảnh hưởng tới con người, gây bỏng, ung thư máu hoặc chết người?
Triệu chứng dễ thấy nhất của việc bị phơi nhiễm phóng xạ là có cảm giác bị chóng mặt, buồn nôn và sốt trong nhiều giờ liền. Tiếp theo đó, một loạt các triệu chứng suy giảm sức khỏe bất thường, không có nguyên nhân sẽ diễn ra liên tiếp trong vài tuần tiếp theo. Nếu cường độ phóng xạ mạnh thì các cơ quan bên trong cơ thể sẽ bị phá hủy và dẫn tới nguy cơ chết người.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, bản thân môi trường sống hàng ngày của con người cũng bị ảnh hưởng của các tia phóng xạ từ nhiều nguồn khác nhau (ví dụ ngay cả khi bạn ăn chuối). Bay máy bay đường dài trên 8 tiếng cũng làm cơ thể bạn bị nhiễm xạ gấp hai lần so với khi đang ở dưới mặt đất (do gần mặt trời hơn và không có lớp không khí bảo vệ), nhưng kể cả vậy vẫn ở mức an toàn. Một số trang web của Nhật Bản đã đưa ra bảng hướng dẫn sau để chỉ các mức độ phóng xạ khác nhau sẽ ảnh hưởng tới con người như thế nào (click vào hình vẽ để phóng to).
Theo đó, lượng phóng xạ sẽ được đo bằng đơn vị Sievert (là đơn vị theo tiêu chuẩn đo lường quốc tế – SI, đặt theo tên của nhà khoa học người Thụy Điển Rolf Sievert). Để theo dõi chính xác lượng phóng xạ, người ta thường sử dụng đơn vị milliSieverts – mSv hoặc microSieverts - μSv. Công thức chuyển đổi giữa các đơn vị như sau :
1 Sv = 1000 mSv (millisieverts) = 1000000 μSv (microsieverts) = 100 rem = 100000 mrem (millirem)
Khi đọc báo hoặc theo dõi thông tin, bạn cần biết chính xác người ta đang nói tới đơn vị nào để tiện quy chiếu. Cũng theo đơn vị này, các nhà khoa học đã đưa ra bảng khuyến cáo như sau :
- ~ 2 mSv/năm là mức phóng xạ bình thường mà con người đang đối mặt hàng ngày (ở Úc là khoảng 1.5mSv, Nam Mỹ là 3mSv).
- 9-10 mSv/năm là mức phóng xạ mà hành khách đi máy bay sẽ bị hấp thụ trong chuyến bay từ Tokyo – New York
- 20 mSv/năm là mức phóng xạ trung bình một công nhân làm tại nhà máy nguyên tử hấp thụ
- 100 mSv/năm là mức phóng xạ bắt đầu có thể gây ung thư máu và các ung thư khác cho con người (xác suất bị ung thư là 2-4%)
- 350 mSv/cả cuộc đời là mức phóng xạ để đưa ra quyết định di chuyển toàn bộ dân cư tại Chernobyl ra khỏi vùng nhiễm xạ
- 1000 mSv trong một khoảng thời gian ngắn làm con người sẽ bị buồn nôn, chóng mặt và sức khỏe suy giảm ngay lập tức
- 5000 mSv trong một khoảng thời gian ngắn sẽ làm 1/2 số người trong số này bị tử vong sau 1 tháng
Khi bị nhiễm xạ, cần phải rời bỏ khu vực nhiễm xạ, gỡ bỏ ngay quần áo đang mặc trên người và uống các thuốc chống ung thư máu + chống làm phá hủy hệ miễn dịch trong người. Thêm vào đó, không được ăn bất cứ thức ăn gì đã bị phơi nhiễm trong khu vực phóng xạ (xin đọc thêm bài báo này để biết rõ cách thức tránh phơi nhiễm phóng xạ). Với cường độ phóng xạ là 400 mSv hiện tại ở khu vực nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, giáo sư Richard Wakeford (đại học Manchester) cho rằng đây chưa phải là cường độ phóng xạ nguy hiểm ở diện rộng mà chỉ gây nguy hiểm cho các công nhân đang làm việc tại nhà máy.
No comments: