Nền văn hóa Ai Cập cổ đại đã thực sự tỏa sáng một cách huy hoàng bên bờ sông Nile và để lại những bí ẩn khiến cho thế giới văn minh ngày nay phải thán phục (ví dụ như việc làm sao có thể xây được Kim Tự Tháp bằng các dụng cụ đơn giản). Cho tới trước khi hòn đá Rosetta được tìm thấy và giải mã, đã có rất nhiều lần các nhà khảo cổ (và cả những tên trộm) tìm ra rất nhiều các tài liệu văn bản ở các dạng khác nhau ghi chép về những bí ẩn này nhưng không có ai hiểu được chúng nói gì.
Tới cuối thế kỷ XVIII, khi Napoleon chuẩn bị xâm lược Ai Cập và mở rộng bờ cõi của mình về phía Đông châu Phi, ông ta đã chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm này theo một cách rất “văn hóa”. Rất nhiều các học giả ở nhiều ngành khác nhau đã được tập trung thành Học viện nghiên cứu Ai Cập và đi theo đội quân của Napoleon. Tuy vậy, cuộc chiếm đóng không hề dễ dàng bởi sự phản kháng quyết liệt của quân Anh đang đóng tại Ai Cập. Vào mua hè năm 1799 giữa các cuộc giao tranh, một người lính Pháp đóng tại thị trấn Rosetta đã tìm thấy một tấm bia màu đen, có kích thước 118cm chiều cao, 77 cm chiều rộng và dày 33 cm có khắc các văn bản cổ bằng 3 thứ tiếng : Hy Lạp, chữ tượng hình và tiếng Ai Cập cổ. Các học giả đã đặt tên cho tấm bia này là Rosetta Stone để ghi nhớ nơi đã tìm ra nó.
Không quá khó khăn cho các học giả trên thế giới (đặc biệt là Anh và Pháp) trong việc dịch các văn bản bằng tiếng Ai Cập cổ và tiếng Hy Lạp ra các ngôn ngữ đương thời. Tuy vậy, không ai có khả năng dịch được chữ tượng hình trong tấm bia này cho tới khi Jean-François Champollion đã dịch thành công được tên của vị vua nổi tiếng Ai Cập, vua Ramses.
Cho tới nay nhờ các công trình nghiên cứu của Champollion và trước đó là Thomas Young mà rất nhiều các văn bản cổ viết bằng chữ tượng hình của người Ai Cập đã được dịch thành công. Rosetta Stone đã có một vị trí rất quan trọng trong việc giúp thế giới văn minh có thể hiểu được ngôn ngữ tượng hình cổ xưa này và được coi như là một biểu tượng trong ngành khảo cổ học và dịch thuật hiện nay.
(pix courtesy of Wikipedia – Under Creative Commons License)
No comments: