Bạn biết gì về Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF)?

0 nhận xét

Nếu như bạn chăm chú theo dõi thông tin thế giới gần đây thì chắc hẳn bạn sẽ biết tới việc Tổng Giám Đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn bị bắt về tôi cưỡng dâm và sau đó lại được tạm thả do chưa đủ chứng cứ nhiều hơn là việc Quỹ này được sinh ra để làm gì và phục vụ cho ai. Quỹ tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) được thành lập vào tháng 12/1945, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Mục tiêu của IMF lúc bấy giờ là để ổn định tài chính của quốc tế, tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng nặng nề có ảnh hưởng tới toàn thế giới như cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression) bắt đầu vào đầu thập niên 1930s và chỉ kết thúc vào đầu thập niên 1940s.


IMF hiện nay có 187 thành viên (trong đó Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất) với số tiền trong quỹ dao động từ 200 tới 300 tỷ USD (do các nước thành viên đóng góp). Khi các thành viên trong quỹ có khủng hoảng do thiên tai (ví dụ trường hợp của Pakistan) hay do tình hình tài chính xấu (ví dụ trường hợp của Hy Lạp), IMF sẽ cho các nước thành viên vay tiền để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tạm thời.



Tuy vậy, những điều kiện cho vay ngặt nghèo của IMF thường tạo ra những cuộc biểu tình tại chính các nước thành viên … được cho vay. Đơn cử như ngay ở Đông Nam Á, Indonesia đã “nhắm mắt đưa chân” theo IMF để có các khoản vay và hậu quả khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng xã hội, người nghèo đói gia tăng, bạo lực bùng phát. Cuối cùng Tổng thống lúc bấy giờ là ông Suharto buộc phải rời khỏi chính trường sau những cuộc biểu tình dẫn đến bạo động năm 1999. Trong khi đó, nước láng giềng Malaysia cương quyết không thực hiện các điều kiện của IMF, tiếp tục kích thích kinh tế, hỗ trợ người lao động bằng các chính sách xã hội. Malaysia đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục, đến nỗi IMF phải thừa nhận rằng mình đã sai lầm.


Gần đây, tại Thổ Nhĩ Kỹ và Hy Lạp người dân cũng rất bất bình khi những điều kiện của IMF trong việc cho vay tiền khiến cho họ có thể sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi chính phủ cắt giảm ngân sách xã hội (bệnh viện, trường học…) Tuy vậy, IMF vẫn là một trong những thế lực tài chính có tiếng nói rất lớn trên quốc tế và không phải quốc gia nào cũng có thể thoát ra khỏi khủng hoảng mà không cần tiền của chủ nợ IMF giống như Malaysia.

No comments: