Có phải phim/nhạc Indie là các tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ Ấn Độ?

0 nhận xét

Câu hỏi này nảy ra trong đầu tôi khi lần đầu tiên nghe tới từ Indie. Đơn giản là vì India trong tiếng Anh là Ấn Độ nên có thể một người chưa biết về thuật ngữ này sẽ suy luận rằng Indie cũng có liên quan gì tới Ấn Độ – mảnh đất đã từng trôi dạt từ châu Phi sang châu Á. Tuy vậy, phim/nhạc Indie chẳng liên quan gì tới Ấn Độ cả mà Indie là viết tắt của Independent – độc lập.


Radiohead @ Foro Sol


Indie music chỉ các đĩa nhạc được tạo ra từ đầu đến cuối bởi ca sỹ/nhóm nhạc. Thông thường, việc tạo ra một đĩa nhạc không dễ dàng gì vì ngoài việc sáng tác và chơi nhạc, còn rất nhiều thứ liên quan tới việc thu âm và in đĩa. Xuất phát điểm của Indie music đến từ Anh khi vào thập niên 1950-1960, hãng thu âm có quá nhiều quyền lực và can thiệp quá sâu vào việc in đĩa khiến một số nghệ sỹ không phục và đã tự sản xuất đĩa cho mình. Tuy vậy các dự án Indie music lúc đó đều không thành công bởi vào lúc đó công nghệ thu âm và ghi đĩa còn quá đắt đỏ.


Phải tới cuối năm 1980, 1990 và nhất là khi chuẩn mp3 bắt đầu ra đời vào những năm 2000, Internet phát triển khiến cho các nghệ sỹ Indie có nhiều cách rẻ hơn để đưa âm nhạc của mình tới những người yêu nhạc. Hầu hết các nghệ sỹ hiện nay (cho dù in đĩa theo kiểu gì) cũng có profile trên mạng xã hội như Myspace, Facebook để giao lưu với fan hâm mộ và thậm chí là có thể cho họ nghe thử bài hát của mình. Ngày 10/10/2007 nhóm nhạc nổi tiếng Radiohead đã quyết định phát hành miễn phí album In Rainbow trên Internet và sau đó gần 2 tháng mới bắt đầu bán đĩa. In Rainbows là đĩa nhạc đầu tiên của nhóm sau khi chia tay nhà phát hành nổi tiếng EMI, đánh dấu một bước mới trong việc phát hành âm nhạc dựa trên các công nghệ kỹ thuật số hiện đại.


Cũng như vậy, phim Indie là dòng phim được sản xuất không bị phụ thuộc/nhận sự giúp đỡ của các hãng làm phim lớn. Câu chuyện bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX khi Thomas Edison, nhà phát minh đại tài đã sở hữu hầu như mọi các bản quyền về công nghệ phim ảnh thời bấy giờ. Luật bản quyền lúc đó không cho phép bất cứ nhà làm phim nào được phép sản xuất phim và các thiết bị mà không thông qua Edison. Các nhà làm phim đã đưa vụ này ra tòa và cho tới năm 1915 thì các lệnh cấm đã bị bãi bỏ nhưng liền sau đó là các studio lớn làm phim đã ra đời và thống trị việc sản xuất phim ở Mỹ. Cũng giống như việc phát hành đĩa nhạc, phụ thuộc quá nhiều vào các studio khiến cho những nhà làm phim bị bó chân bó tay về ý tưởng và bị cắt xén tiền mà họ đáng được hưởng. Ngày 16/5/1969, Dennis Hopper cùng bạn mình đã khởi quay bộ phim do ông viết kịch bản, đạo diễn kiêm diễn viên có tên là Easy Rider. Bộ phim này đã được đánh giá cao và được giải thưởng danh giá Cannes rồi tiếp theo là hai giải Oscar, đánh dấu sự khởi đầu của dòng phim Indie và chứng minh rằng không cần những studio và công cụ đắt tiền vẫn có thể làm được phim tốt.


Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc sản xuất nhạc và phim đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với thế kỷ trước. Những nhà sản xuất độc lập, những nghệ sỹ độc lập có thể thực hiện thu âm/quay phim các ý tưởng của mình và đưa ra công chúng mà không phải thông qua các hệ thống phát hành đồ sộ. Trong tương lai, chắc chắn những đĩa nhạc như In Rainbows hay những bộ phim Indie như Easy Rider hoặc gần đây là Little Miss Sunshine, Juno… sẽ còn được sản xuất nhiều hơn với chất lượng cao hơn và giá thành rẻ. Suy cho cùng, ý tưởng mới là quan trọng nhất.


(pix courtesy of Krudo. – Under Creative Commons License)

No comments: