Cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên được xây dựng vào thời nào?

0 nhận xét

Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) là một trong những thắng cảnh và biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Bất cứ ai từ xa khi đến thăm Hà Nội đều muốn đi dạo một vòng quanh hồ Gươm và có lẽ bất cứ ai ở Hà Nội đều tự hào về Hồ Gươm.


Hà Nội có Hồ Gươm


Nước xanh như pha mực


Bên trời ngọn Tháp Bút


Viết thơ lên trời cao


Trần Đăng Khoa – 1969


Nói tới hồ Gươm là không thể không nói tới cầu Thê Húc in bóng đỏ trên nền nước xanh, nói tới tháp Bút có 3 chữ “Tả Thanh Thiên” viết thẳng lên trời xanh. Tháp được xây trên đỉnh núi Độc Tôn (có tài liệu nói rằng là núi Ngọc Bội). Ngọn núi này được chúa Trịnh đắp để kỷ niệm chiến thắng Nguyễn Danh Phương ở núi Độc Tôn, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Theo Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung có ghi cụ thể là:”ở bên trái hồ có cung Khánh Thuỵ, lại có cả núi Ngọc Bội đắp năm Vĩnh Hựu, tượng hình cho võ công phá giặc“. Ngọc Bội là tên ngọn núi mà chúa Trịnh Doanh đã đóng quân. Nếu theo tài liệu này thì ngay ở Hà Nội cũng có hai ngọn núi này được đắp lên để kỷ niệm chiến thắng và tháp Bút được đặt ở trên núi Độc Tôn (ở Thăng Long, Hà Nội) chứ không phải núi Ngọc Bội.


Tháp Bút, cầu Thê Húc, đài Nghiên được nhà văn hóa Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) xây dựng vào năm Tự Đức thứ 18. Tháp Bút được dựng bằng đá có năm tầng, cạnh đáy tầng 1 là 2m, lên đến tầng 5 là 1,2m. Cả năm tầng cao 28m. Trên tầng 5 là ngọn bút lông, cả cán và ngòi cao 0,9m. Như vậy tổng cộng ngọn tháp cao 28,9m.


Nụ Cười Người Hà Nội


Từ Bút Tháp đi tiếp, qua cổng Bảng Rồng, Bảng hổ đến lớp cổng thứ ba. Khác với hai lớp cổng ngoài (hoặc là bốn hàng cột trụ hoặc là cửa trống) lớp cổng này có tường cao, có mái, có cửa cuốn, cánh cửa gỗ sơn son. Trên mái đặt một cái nghiên đá cho nên cổng cũng có tên là Nghiễn đài = đài nghiên. Vì có bút thì phải có nghiên, mà bút dùng để viết lên trời xanh thì nghiên cũng phải lớn tương xứng với bút. Đây là một cái nghiên được tạc từ cả một tảng đá xanh hình quả đào cắt ngang theo chiều dọc khoét lõm lòng chảo, bề dài quả đào 0,97m; bề ngang 0,8m; cao 0,3m; chu vi chừng 2 mét, cũng được là từ lần trung tu 1865. Có ba con thiềm thừ (con cóc) đội nghiên như ba cái chân kiềng.


Cầu Thê Húc cũng nhân dịp đó được Thần Siêu xây để nối ra đảo Ngọc và đền Ngọc Sơn (hồ Gươm có hai hòn đảo là đảo Ngọc và đảo Rùa). Tên của cầu có nghĩa là “nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm” (棲旭).


Có thể nói đây là một quần thể đẹp của thủ đô Hà Nội, đặc biệt Tháp Bút – biểu trưng cho truyền thống hiếu học được xây đè lên một ngọn núi biểu tượng cho chiến thắng trong chiến tranh lại càng có ý nghĩa.


(pix courtesy of Son Marki – Under Creative Commons License)

No comments: